Nga bị loại khỏi SWIFT, doanh nghiệp xuất khẩu Việt gặp khó
Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT khiến doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường này gặp khó mà trước hết là trong giao dịch thanh toán.
>>>Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế) trước mắt được xem là chưa tác động ngay tới kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong giao dịch thanh toán.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 17 triệu USD, còn xuất khẩu thủy sản sang Ukraine đạt 3,7 triệu USD (năm 2021 khoảng 29 triệu USD).
Theo ông Hòe, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường này.
"Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT", ông Hòe nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong ngắn hạn, việc xảy ra xung đột vũ trang sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả việc chúng ta xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam. Bởi Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam, cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Trong đó, vấn đề việc Mỹ và Ủy ban châu Âu, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý vừa chính thức thông báo sẽ loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT hay có thể hiểu là cấm các ngân hàng này tham gia các giao dịch quốc tế, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng các giao dịch trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đồng ý nhận định: “Sẽ có khó khăn về phương thức thanh toán vì nguồn ngoại hối, ngoại tệ, cụ thể là đồng đô la Mỹ của Nga bị thiếu. Ngoài ra nếu thanh toán qua hình thức liên ngân hàng sẽ bị gián đoạn, mất kết nối. Đó là 2 khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt”.
>>>Bị ngắt khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga còn sự lựa chọn nào?
>>>Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?
Cùng với đó, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các hoạt động giao dịch thương mại, chuyển và rút tiền giữa doanh nghiệp và đối tác phía Nga gặp khó khăn. Thay vì các giao dịch tiền thể hiện dưới dạng tin nhắn SWIFT, sử dụng các thẻ thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp phải thanh toán bằng một khối lượng tiền mặt lớn hay phải trả bằng vàng ròng.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc đồng Rup mất giá sẽ giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này.
Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Nga phải tính toán lại. Mặt khác, có những công ty ở một số nước khác trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn lưu ý, trước mắt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương.
Có thể bạn quan tâm
Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
03:28, 17/02/2022
Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?
11:20, 28/02/2022
Phương Tây chính thức loại Nga khỏi Hệ thống SWIFT
14:43, 27/02/2022