Chi phí logistics nông sản “leo thang” theo căng thẳng Nga – Ukraine
Các hãng hàng không, hãng tàu lần lượt thông báo ngừng các chuyến hàng đến và đi tới Nga, cộng thêm chi phí logistics tới các thị trường khác cũng được dự báo sẽ "leo thang".
>>>Nga bị loại khỏi SWIFT, doanh nghiệp xuất khẩu Việt gặp khó
Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Nga cho biết, ngay khi xảy ra giao tranh, các đơn hàng của thị trường này đã phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển.
Tạm dừng vận tải biển và hàng không tới Nga
Ngoài ra, việc dừng đơn hàng, không có chuyến bay cũng khiến doanh nghiệp không xây dựng được cước cho đơn hàng của các đối tác.
“Hiện nay, chúng tôi đang xuất khẩu xoài và một số rau củ, trái cây cấp đông sang thị trường Nga. Khi xảy ra giao tranh, các chuyến bay bị ảnh hưởng nên chúng tôi không thể làm cước cũng như vận chuyển hàng hóa đến thị trường này”, bà Ngô Thị Thu Hồng cho biết.
Không chỉ với hàng không, các hãng tàu cũng đã lần lượt thông báo ngừng các chuyến tàu đến và đi tới Nga, trừ các chuyến hàng nhân đạo.
Đại diện hãng tàu Maerk hôm qua cho biết sẽ tạm dừng các booking mới đến và đi từ Nga nhưng sẽ phụ thuộc vào việc sắp xếp kế hoạch cho các lô hàng đã được đặt trước mà không vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
“Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sẽ có ba trường hợp ngoại lệ - thực phẩm, vật tư y tế và nhân đạo vẫn được vận chuyển”, Người phát ngôn của Maerk cho biết thêm.
Trước đó, ngay trong ngày đầu tiên của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine Hapag-Lloyd - hãng tàu lớn nhất của Đức thông báo tạm dừng vận chuyển hàng đến và đi Nga, sau đó, liên minh hãng tàu ONE cũng ra thông báo tương tự.
Tuy nhiên, hãng vận tải lớn nhất thế giới về năng lực - MSC không khẳng định là mình sẽ theo xu hướng như thế mà sẽ duy trì dịch vụ có sự chọn lọc, đồng thời đòi hỏi khách hàng phải thanh toán cước trước cho mọi chuyến hàng vào Nga.
Ngoài ra, các công ty logistics cũng đã ngừng nhận đặt hàng đến Nga, bao gồm Seko Logistics, các công ty giao nhận như UPS và FedEx cũng đã ngừng giao hàng đến Nga trong khi DHL vẫn đang “theo dõi tình hình”.
>>>“Hãm phanh” cước vận tải biển: Tìm kiếm cơ chế ưu tiên
>>>Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
Chi phí logistics “leo thang” theo giá dầu
Thậm chí “hiệu ứng domino” được lo ngại sẽ xảy ra ở nhiều thị trường khác của nông sản Việt. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine còn được cho là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao.
“Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiện, các cước phí vận chuyển thuỷ sản xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… đã rục rịch tăng”, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cũng nhận định lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất từ việc giá xăng dầu tăng, do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ là logistics.
Ông Phú cho rằng, các chi phí về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng từ việc các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa được nối lại hoàn toàn, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn ở mức cao. Hiện tượng thiếu container rỗng có thể còn tiếp tục, gây tác động không nhỏ đến giá thành hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu.
Bởi theo nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới: khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu; và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Nga đồng thời giữ vai trò quan trọng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC). Sau một thời gian gián đoạn sản xuất vì đại dịch Covid-19, OPEC đã cam kết thận trọng đưa thêm dầu trở lại thị trường, nhưng đã không đạt được mục tiêu sản xuất như trước đại dịch, khiến giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
Lấy dự báo của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan, về việc giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng do căng thẳng với Ukraine (tăng 20% so với hiện tại), chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: “Khoảng 1,52% tiêu dùng người dân là chi tiêu cho xăng dầu, đây là chi phí bắt buộc người dân phải chi trả hằng ngày, cũng là yếu tố mà mọi doanh nghiệp phải chịu khi sản xuất, kinh doanh. Nếu giá xăng dầu không hạ nhiệt, lạm phát tiếp tục khó dự báo trong năm 2022”.
Có thể bạn quan tâm
Nga bị loại khỏi SWIFT, doanh nghiệp xuất khẩu Việt gặp khó
04:12, 02/03/2022
Tương lai nào đang đợi ngành logistics Việt Nam?
05:00, 06/02/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng vì đứt gãy chuỗi logistics
11:00, 19/01/2022
Năm 2022 ngành cảng biển và logistics có gì đáng chú ý?
04:00, 18/01/2022