Doanh nghiệp ngành tôm gặp khó khăn "kép"

THY HẰNG 14/03/2022 01:05

Là nước xuất khẩu tôm đứng thứ 3 thế giới, nhưng sản xuất con giống của doanh nghiệp ngành tôm vẫn phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu, cộng thêm khó khăn từ xung đột Nga – Ukraine.

>>>Tìm giải pháp phát triển ngành tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Nga đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Tính tới 15/2, xuất khẩu sang Nga ở mức 3,3 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này là 44,5 triệu USD, giảm 0,8% so với năm 2020.

Dự báo năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ vượt mốc 4 tỷ USD.

Dự báo năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ vượt mốc 4 tỷ USD.

Khó khăn từ xung đột Nga - Ukraine

Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang thị trường này gồm tôm chân trắng tươi bỏ đầu, lột vỏ bỏ đuôi tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi bỏ đầu... VASEP cho rằng Nga là một trong những thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam với nhu cầu tốt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU)

Tuy nhiên, những ngày gần đây, xuất khẩu tôm sang Nga tiếp tục bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga và Ukraine. Các lô hàng đi Nga đã xuất nhưng chưa chắc chắn về khả năng thông quan, và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nga hiện đang gặp khó khăn về khâu thanh toán qua ngân hàng.

Những tác động đó đến từ việc ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng; đứt gãy chuỗi cung ứng, sự mất giá của đồng rúp, tăng lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu…

Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng trong xuất nhập khẩu bởi các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga dẫn đến tăng chi phí vận chuyển.

Đồng thời, tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản; nhu cầu suy giảm ở Nga, Ukraine và các nước liên quan.

>>>Ngành tôm Việt Nam làm gì để tránh “đi trước, về sau”?

>>>Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Ngành tôm quyết không để đứt gãy chuỗi giá trị

Phụ thuộc tôm bố mẹ nhập khẩu

Đặc biệt, bên cạnh những khó khăn phát sinh của chiến tranh xung đột, một điểm yếu cố hữu của ngành tôm đang khiến những lo lắng về sự phát triển của ngành trong năm 2022 được đặt ra.

Theo đó, ngành tôm hiện chưa làm chủ được khâu sản xuất tôm giống. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.

Năm 2021, tổng nhu cầu tôm bố mẹ là trên 281.800 con, tuy nhiên, có đến trên 240.800 con tôm bố mẹ từ nguồn nhập khẩu và chỉ có 41.000 con tôm bố mẹ được sản xuất trong nước (gồm 21.000 con tôm thẻ chân trắng và 20.000 con tôm sú).

Hàng năm, lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, trong đó, nhập từ Mỹ chiếm 53,5%; từ Thái Lan là 20,1% và còn lại là các nguồn cung cấp khác. Năm 2021, cả nước sản xuất tôm giống đạt 144,5 tỷ con, tăng 11 % so với năm 2020.

Hiện cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Hàng năm, lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con

Hàng năm, lượng tôm bố mẹ nhập khẩu duy trì khoảng 200.000 con, còn ít mô hình tự chủ được tôm bố mẹ.

"Một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về nuôi trồng thuỷ sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản nêu thực trạng.

Ông Trường Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2022, nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá sẽ tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp. Các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, vấn đề kẹt cảng ở Mỹ dự kiến sẽ giải quyết xong trước tháng 6/202. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian để dự báo.

“Khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng làm tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Chiến tranh Nga-Ucraina tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm”, Tổng Thư ký VASEP dự báo.

Do đó, để khắc phục khó khăn, đạt kế hoạch trọng tâm năm 2022, Tổng cục Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, trải qua các làn sóng dịch Covid-19, doanh nghiệp tôm cần linh hoạt thâm nhập từng thị trường theo lợi thế của mình, đồng thời xác định các thị trường tiềm năng để chuyển hướng.

“Doanh nghiệp tập trung bán vào Trung Quốc tôm sú nguyên con cỡ lớn, tôm sống luộc - những mặt hàng người Trung Quốc yêu chuộng và ít đối thủ. Doanh nghiệp hạn chế khuếch trương bán tôm tươi IQF vào Mỹ mà tập trung tôm luộc, tôm chiên, tôm bao bột... do mặt hàng tôm tươi IQF là thế mạnh của Ecuador và Ấn Độ vì giá của họ rất rẻ”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.

Trong khi đó, hướng tới thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cho biết tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi chế biến cầu kỳ, mẫu mã đẹp phù hợp với lợi thế lao động chế biến của Việt Nam. Đối với thị trường EU, cần phát triển dòng sản phẩm chế biến, bởi tôm tươi Ecuador đang chiếm thị phần hàng đầu ở đây.

Đối với thị trường, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada… Tuy nhiên, tùy thuộc tình hình, diễn biến cụ thể, mỗi năm sẽ có một thị trường dẫn dắt.

Có thể bạn quan tâm

  • Tìm giải pháp phát triển ngành tôm

    03:30, 19/07/2021

  • Ngành tôm Việt Nam làm gì để tránh “đi trước, về sau”?

    12:18, 14/04/2021

  • Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Ngành tôm quyết không để đứt gãy chuỗi giá trị

    15:04, 09/08/2020

THY HẰNG