Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng: (Bài 5) Tăng lương gấp gáp gây "sốc" cho doanh nghiệp

THY HẰNG 24/04/2022 10:15

Thời điểm tăng lương gấp gáp, cách ngày 1/7 chỉ hai tháng có thể gây cú sốc cho doanh nghiệp, vốn vừa gượng dậy sau đại dịch Covid.

>>>Thời điểm nào nên điều chỉnh lương tối thiểu?

LTS: Sau khi 8 hiệp hội ngành hàng cùng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022 sang ngày 1/1/2023, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới thời điểm tăng lương.

thời điểm tăng lương tối thiểu chỉ nên phá lệ vào giữa năm nay, những năm sau nên trở về ngày 1/1 khi kinh tế đã dần phục hồi.

Thời điểm tăng lương tối thiểu chỉ nên phá lệ vào giữa năm nay, những năm sau nên trở về ngày 1/1 khi kinh tế đã dần phục hồi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội nhìn nhận, thời điểm tăng lương gấp gáp, cách ngày 1/7 chỉ hai tháng có thể gây cú sốc cho doanh nghiệp, vốn vừa gượng dậy sau đại dịch Covid.

Tiền lương cơ sở trong khu vực công do ngân sách chi trả nên có nguồn lực thì có thể tăng bất cứ lúc nào mà không gây xáo trộn nhiều. Song với doanh nghiệp, tiền lương được tính vào chi phí sản xuất, phải tính từ năm trước để chuẩn bị cho năm sau.

"Nguyên tắc xây dựng lương tối thiểu trong khối này phải tính đến doanh nghiệp vừa và nhỏ - nơi có số công ty đông, tập trung nhiều lao động chứ không chỉ cho doanh nghiệp kinh doanh bình thường, có lợi thế", ông Phạm Minh Huân nói.

Theo ông Huân, lần đầu tiên điều chỉnh tiền lương không theo lộ trình là vào tháng 10/2011, sớm một quý so với thường lệ. Nguyên nhân là bắt kịp biến động giá cả nửa cuối năm 2011 (CPI tháng 10/2021 tăng 17,05% và cả năm 2011 tăng 18,13%), giảm thiểu khó khăn cho người lao động, xóa bỏ khoảng cách về lương giữa các loại hình doanh nghiệp. Nhưng sau đó nhiều doanh nghiệp phản đối, cho rằng sản xuất kinh doanh bị xáo trộn. Bộ với vai trò "cầm cân" đã lắng nghe ý kiến từ hai phía, chỉnh lại phương án tăng lương vào ngày 1/1 hàng năm, theo năm tài chính của doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm đó, ông Huân cho rằng thời điểm tăng lương tối thiểu chỉ nên phá lệ vào giữa năm nay, những năm sau nên trở về ngày 1/1 khi kinh tế đã dần phục hồi. Quy luật nhiều năm cũng cho thấy sau mỗi đợt điều chỉnh tiền lương, giá một số mặt hàng lại tăng theo. Chính phủ cần có biện pháp kìm chế lạm phát để tiền lương thực tế tăng thêm của người lao động đỡ hao hụt.

Theo Bộ luật Lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia được thành lập từ năm 2013, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương cho người lao động. Từ đó đến nay, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng dựa trên khuyến nghị của cơ quan này, trong đó gần nhất là Nghị định 90, thực hiện từ ngày 1/1/2020 với mức tăng 150.000-240.000 đồng/tháng.

>>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động

>>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: Chờ Chính phủ quyết định

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7 và kéo dài 18 tháng, dù không theo thông lệ 12 tháng như các năm trước nhưng không trái quy định chung.

8 hiệp hội ngành hàng cùng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022 sang ngày 1/1/2023.

8 hiệp hội ngành hàng cùng kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022 sang ngày 1/1/2023.

Khi Covid-19 dần được kiểm soát, việc áp dụng lương tối thiểu mới trong khoảng thời gian một năm rưỡi được Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán nhằm tạo sự ổn định cho người lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Căn cứ để Hội đồng tiền lương quốc gia "chốt" thời điểm ngày 1/7 là dựa vào quy định của Bộ luật lao động, xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt phải kịp thời đảm bảo mức sống tối thiểu người lao động.

Cụ thể, theo thông lệ, hơn 10 năm qua, việc điều chỉnh lương tối thiểu luôn thực hiện vào ngày 1/1 hàng năm và chu kỳ mỗi năm một lần. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, lương tối thiểu đã hai năm tạm hoãn. Theo nhận định của Bộ phận kỹ thuật, mức lương tối thiểu hiện hành được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến nay, sau hơn 2 năm, nếu kéo dài sau 1/7/2022 sẽ gây nhiều khó khăn cho người lao động.

Ngoài lương tối thiểu không đáp ứng được mức sống thấp nhất của lao động từ năm 2022, lý do khác theo Bộ phận kỹ thuật là kinh tế, đời sống, xã hội đã chuyển sang trạng thái "bình thường mới", sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm đã bắt đầu trong giai đoạn phục hồi.

Có thể bạn quan tâm

  • Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động

    04:00, 23/04/2022

  • Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: Chờ Chính phủ quyết định

    02:00, 22/04/2022

  • Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 2) Lợi đơn hay thiệt kép?

    17:36, 21/04/2022

  • Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 1) Doanh nghiệp “khó trăm bề”

    15:23, 21/04/2022

  • Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng

    04:00, 18/04/2022

THY HẰNG