DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Từ chuyện kim chi Hàn Quốc ngẫm việc cà pháo Việt sang Mỹ

QUÂN BẢO 24/04/2022 11:00

Từ chuyện cà pháo Việt sang Mỹ khá lặng lẽ, nhìn sang câu chuyện kim chi Hàn Quốc nổi tiếng khắp thế giới, mới thấy Việt Nam còn cần nhiều thời gian và công sức để xuất khẩu được nền ẩm thực nước nhà.

>>Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm

Mới đây, trong một tọa đàm “Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men”, đại diện Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết công ty này chuẩn bị xuất khẩu container gồm 20 loại sản phẩm như mắm cà pháo, mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm, mắm cá sặc,... của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 5. CTWS Group là đơn vị nhập khẩu lô hàng này.

Đây không phải là lần đầu tiên những trái cà pháo hoặc mắm của Việt Nam ra mắt thị trường thế giới.

Có lẽ ít người biết lần đầu tiên cà pháo, mắm tôm Việt Nam sang nước ngoài là từ năm 1996, trước khi cả Việt Nam gia nhập WTO. Đơn vị làm ra những món ăn này để xuất ra nước ngoài là doanh nghiệp Ngọc Liên. Là một thạc sĩ chuyên ngành chế biến hải sản và từng làm giám đốc phụ trách lĩnh vực ủ chua của công ty Nhật Bản, vậy nên bà Phan Thị Liên, giám đốc công ty Ngọc Liên, rất chú ý đến quy trình vận hành nhà máy.

Năm 1995, công ty của bà được một đơn vị của Úc đặt hàng 50 thùng cà pháo mắm tôm. Đến năm 1996, Ngọc Liên chính thức xuất khẩu cà pháo mắm tôm sang Mỹ. Có doanh nghiệp Nhật Bản còn đăng ký mua độc quyền một loại cà đóng hộp, chấp nhận bỏ 1,1 tỷ để kiểm định sản phẩm và nhập 2 container. Hiện nay các sản phẩm của Ngọc Liên còn được xuất đi Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Úc, New Zealand,...

Mặc dù cũng có một số thành tựu nhất định, thế nhưng những món mắm, muối chua của Việt Nam vẫn khá lặng lẽ trên thị trường quốc tế. Trong khi đó kim chi, một món muối chua Hàn Quốc, lại nổi tiếng trên thế giới. Trong mùa dịch COVID-19, kim chi Hàn Quốc tăng doanh số xuất khẩu 50% nhờ truyền thông, marketing tốt rằng các sản phẩm lên men có thể hỗ trợ miễn dịch.

Dĩ nhiên đây không phải là chuyện đơn giản, ngày một ngày hai, mà là thành quả của cả một chiến dịch đồ sộ của chính phủ lẫn dân Hàn Quốc trong cả mấy chục năm qua.

Lần ra mắt công chúng thế giới rầm rộ đầu tiên của món kim chi Hàn Quốc là tại kỳ Thế Vận Hội Seoul 1988. Sau một số lo ngại rằng món ăn có thể không hợp với người phương Tây, giới chức Hàn Quốc vẫn chọn kim chi là món ăn chính thức của sự kiện lần ấy. May mắn là các du khách phản hồi rất tích cực về kim chi. Kim chi đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới, trở thành xu hướng ở châu Âu và châu Mỹ.

20 năm sau đó, tức năm 2008, kim chi lần thứ hai có “màn quảng bá” hoành tráng khi Yi So-yeon, phi hành gia đầu tiên của Hàn Quốc bay vào không gian, đã mang theo món kim chi lên vũ trụ, ở tại Trạm Vũ Trụ Quốc Tế (ISS) và làm việc cùng các phi hành gia đến từ khắp nơi trên thế giới.

Khi các phi hành gia tụ tập dùng bữa, họ sẽ trao đổi không chỉ những câu chuyện mà cả những món ăn. Và kim chi Hàn Quốc nghiễm nhiên chiếm một vị trí nổi bật. Dĩ nhiên đây không phải là một món kim chi bình thường. Đấy là món kim chi không gian mà chính phủ Hàn Quốc mất 3 năm và hàng triệu đô để thực hiện, với mục tiêu chính vẫn là quảng bá món kim chi tới toàn thế giới.

 >>Chiến lược marketing siêu đẳng của Kpop

Ngoài hai sự kiện kể trên, kim chi nói riêng và nền ẩm thực Hàn Quốc nói chung cũng được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng Hàn Quốc Hallyu. Bắt đầu những năm 2000 là các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, sau đó là những nhóm nhạc Kpop. Đến năm 2012 là hiện tượng “Gangnam Style” của Psy, rồi BTS, Blackpink hay bộ phim “Ký sinh trùng”.

Nói như vậy mới thấy để có được danh tiếng như ngày hôm nay, kim chi Hàn Quốc đã phải dựa vào nỗ lực rất nhiều và rất lâu và đầu tư cũng rất rất nhiều tiền của của cả chính phủ lẫn người dân Hàn Quốc.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương từng bày tỏ rằng bà hy vọng trong tương lai, cà pháo Việt Nam sẽ được cả thế giới biết đến như kim chi Hàn Quốc. Đó là điều không phải không thể. Tuy nhiên để làm được điều này, thì còn nhiều việc phải làm, cần nhiều thời gian và công sức của nhiều bên, một chiến lược đúng đắn cũng như một khoản đầu tư tài chính không hề nhỏ, nếu như nhìn vào chiến dịch “Kim chi Hàn Quốc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Burger King cổ vũ mọi người ăn... McDonald

    Burger King cổ vũ mọi người ăn... McDonald

    05:08, 09/11/2020

QUÂN BẢO