“Hiện đại hoá” thị trường lao động
Trong hơn 20 năm qua lực lượng lao động ở Việt Nam đã có những sự biến đổi tích cực. Tuy nhiên, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa.
>>>Thị trường lao động: Nhiều cơ hội lương, thưởng cạnh tranh
Không thể phủ nhận, trong hơn 20 năm qua lực lượng lao động ở Việt Nam đã có những sự biến đổi tích cực. Tuy nhiên, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi một thị trường lao động phải được cải thiện cả về chất và lượng.
Năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động), tăng 5,4% so với năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động tăng 5,78%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.
Tính chung giai đoạn 2011 - 2020, năng suất lao động tăng bình quân 5,07%/năm. Năm 2021 năng suất lao động của nước ta đạt 171,3 triệu đồng/lao động.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn đánh giá, năng suất lao động Việt Nam dù đã được cải thiện trong giai đoạn 2016 – 2020, song vẫn bị tụt hậu, thấp so với nhiều nước trong khu vực, thua xa Singapore, Malaysia, Thái Lan hay cả Indonesia.
Những yếu tố làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, là xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp chưa cao. Cũng không thể không kể đến một số "điểm nghẽn" về cải cách thể chế và thủ tục hành chính…
Cùng quan điểm, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Việt Nam khó áp dụng những thế mạnh từng giúp nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp để đạt bước phát triển tiếp theo.
Theo đó, Vị chuyên gia của ILO phân tích: Vào năm 2000 có 65,3% lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2020, tỷ trọng hai phần ba thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó đã giảm xuống còn 37,2%, tăng thêm lao động cho lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trước đây lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhiều lao động nhất thì sau hai thập niên lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%) và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5%).
“Việt Nam khó áp dụng những thế mạnh từng giúp nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp để đạt bước phát triển tiếp theo”, bà Valentina Barcucci nhấn mạnh.
>>>Doanh nghiệp "khát" lao động để khôi phục sản xuất
>>>Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động
Trên thực tế, ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực FDI hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, với đổi mới, sáng tạo, và một lực lượng lao động có kỹ năng lại là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa.
Một yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất. Giờ đây vấn đề quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp mới để tăng năng suất lao động.
Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của toàn nền kinh tế nước ta theo giá hiện hành ước đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020).
Theo giá so sánh, năng suất lao động trong năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020)
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động với mức đóng góp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 54,28%, trong đó đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cao hơn đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Do đó, chuyên gia từ ILO nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để đạt được sự hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa.
Có thể bạn quan tâm
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lao động
18:18, 30/04/2022
Thị trường lao động: Nhiều cơ hội lương, thưởng cạnh tranh
03:00, 28/04/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động
20:20, 27/04/2022
Doanh nghiệp "khát" lao động để khôi phục sản xuất
03:30, 25/04/2022
Lùi thời điểm tăng lương tối thiểu: (Bài 4) Ưu tiên hồi phục thị trường lao động
04:00, 23/04/2022