Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

THY HẰNG 02/05/2022 09:09

Những rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế không mới, nó đã diễn ra nhiều năm nay. Song, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn khó tránh “bẫy” khi vẫn quá cả tin vào đối tác.

>>>Bộ NN&PTNT: Đề nghị hãng tàu giữ lại container điều "mất kiểm soát"

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 2752/VPCP-QHQT ngày 30/4/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo chí nêu về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản.

Vừa qua, 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với đối tác nhập khẩu, họ phát hiện nhiều dấu hiệu bị lừa đảo.

Vụ 36

Vụ 36 container hạt điều nghi bị lừa đảo chưa có kết luận, nhiều container đã phải tìm người mua mới.

Hổng thông tin, thiếu liên kết…“sập bẫy”

Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận được tiền, trong khi đó, 36 container bị mất các bộ chứng từ gốc và có nguy cơ bị mất trắng. Vụ việc dù vẫn chưa có kết luận, nhiều container đã phải tìm người mua mới. Tuy nhiên, từ vụ việc này cho thấy nhiều lỗ hổng trong giao dịch thương mại quốc tế cần được khắc phục.

Trên thực tế, những rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế không mới, nó đã diễn ra nhiều năm nay. Song, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn khó tránh “bẫy” khi vẫn quá cả tin vào đối tác mà hầu như năm nào cũng có những doanh nghiệp Việt “sập bẫy”.

Năm 2020, một đối tác của Hà Lan có hợp đồng xuất khẩu gỗ cho 1 doanh nghiệp Việt Nam với điều kiện đặt cọc 50% tiền hàng. Nhưng sau đó, đối tác Hà Lan lại yêu cầu thanh toán nốt 50% giá trị còn lại của hợp đồng. Sau khi thanh toán hết tiền hàng, đối tác Hà Lan tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán 5.000 USD do hàng bị giữ tại cảng. Doanh nghiệp Việt Nam do đã thanh toán đủ 100% tiền hàng nên không đồng ý chuyển tiền thêm, đồng thời viết thư đề nghị Thương vụ giúp kiểm tra. Sau khi Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan tìm hiểu thấy công ty đăng ký chỉ là một cá nhân, không có liên quan gì đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu rất nhiều loại thực phẩm và gỗ (như quảng cáo trong website). Thương vụ cũng đã gọi điện thoại nhiều lần vào số di động, số cố định mà đối tượng giao dịch với công ty Việt Nam nhưng đều không có tín hiệu.

Trước đó, 2019 cũng là năm ghi dấu nhiều nông sản Việt “bị lừa”. Trong đó, mặt hàng hồ tiêu là mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam hay bị “lừa chiếm đoạt”. Sự việc 2 container hồ tiêu xuất sang Dubai nhưng khách hàng đổ thừa hàng kém chất lượng, bị hao hụt nên không nhận. Sau đó, phía đối tác mua hàng liên kết với ngân hàng tại Dubai chiếm đoạt 2 container hàng. Hay một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đã bị một công ty tại thị trường Senegal cắt đứt liên lạc sau khi mua một container tiêu trị giá 61.750 USD mà không thanh toán.

Tương tự với mặt hàng thuỷ sản, một doanh nghiệp từng chia sẻ, xuất lô hàng thủy sản đông lạnh cho đối tác ở Ai Cập trị giá gần 60.000 USD nhưng đòi tiền không được. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng từng cảnh báo một số doanh nghiệp thủy sản đứng trước nguy cơ mất hàng trăm ngàn USD với khách hàng ở Canada. Với thủ đoạn tinh vi như làm sai lệch chữ ký ngay từ khi ký hợp đồng và cài vào điều khoản chỉ cho ngân hàng đại diện phía Canada chuyển tiền khi chữ ký tại hợp đồng trùng khớp với chữ ký tại vận đơn..., ngân hàng và đối tác Canada đã liên kết nhau để cố tình không trả tiền cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây nhất, một doanh nghiệp Việt chuyên ngành nhựa có ký hợp đồng với một đối tác tại Moroco. Tuy nhiên, sau khi hàng cập cảng Moroco, lấy lý do hàng không chất lượng, đảm bảo theo yêu cầu, đối tác này đã trở mặt đòi trả lại tiền và không hợp tác để xử lý lô hàng, thế nhưng sau đó đối tác Moroco lại thông đồng để lấy trộm hàng rồi lảng tránh mọi liên hệ. Dù rất nỗ lực nhưng các doanh nghiệp của chúng ta vẫn bị mất trắng lô hàng khi phía đối tác phía Moroco đã thông quan trộm từ cuối tháng 1/2022.

Là người trong cuộc, ông Hồ Ngọc Cầm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông - lâm sản Phương Minh nhìn nhận, doanh nghiệp nông sản dễ bị đối tác lạ từ nước ngoài đánh vào điểm yếu là ham giá cao. Theo đó, sau khi xuất bán, đối tác chê hàng kém chất lượng và đòi hạ giá mới chịu lấy hàng. Hậu quả là phía doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận "yêu sách" để tránh tốn kém chi phí thuê tàu vận chuyển hàng về.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chỉ rõ, có 2 điều đáng quan tâm đang tạo nên lỗ hổng thương mại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là khi kết nối với đối tác nước ngoài, hầu hết các doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin về bạn hàng, đặc biệt là thông tin liên quan đến các hợp đồng, giao dịch mua bán thông qua thương mại điện tử, đây là một hạn chế rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam,

Ngoài ra, do doanh nghiệp thiếu hệ thống thông tin cảnh báo nên rất dễ bị đối tác nước ngoài rất “cài bẫy” trong quá trình thanh toán, thanh khoản.

“Thực tế là doanh nghiệp vẫn dễ dàng tin tưởng đối tác trong khi mối liên hệ, tính liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại còn nhiều hạn chế”, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ nhấn mạnh.

>>>Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Tạm "giải cứu" được 6/36 container

>>>Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Giải pháp hạn chế tối đa lừa đảo

Phòng người rủi ro chuỗi

Để phòng tránh những sự việc đáng tiếc trong thương mại quốc tế, ông Thủy đưa ra khuyến cáo, khi doanh nghiệp chưa phát triển được thị trường rất cần thiết phải có sự hỗ trợ, bắc nhịp cầu trung gian kể cả nhỏ nhất để từ đó manh nha tạo lập thị trường. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần biết dựa vào cộng đồng người Việt, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam tại các nước sở tại để nắm thông tin.

các doanh nghiệp cần các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Các doanh nghiệp cần các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Trao đổi với DĐDN, LS Ngô Khắc Lễ, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khuyến cáo, để tránh những rủi ro này, điều đầu tiên, các doanh nghiệp cần sự thận trọng hơn với những doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu. Phải tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Có thể kiểm tra nhanh qua bạn hàng cùng hiệp hội ngành nghề. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh (bản mềm, có màu) của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp.

Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Việc lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi đối tác có uy tín, thương hiệu làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng, giảm thì họ vẫn mua hàng của mình.

Song song đó, hãy cảnh giác khi thấy giá rẻ với điều kiện thanh toán ưu đãi. Vì việc này rất hiếm khi xảy với giao dịch lần đầu mà không ẩn chứa ý định gì. Thêm nữa, doanh nghiệp nên điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty; đồng thời, có thể kết hợp với địa chỉ thư điện tử công cộng để dễ dàng hơn khi xác định người, công ty sau này vì họ phải đăng ký dịch vụ điện thoại, thư điện tử riêng ở nước sở tại. Nên đưa vào hợp đồng tên người liên hệ, số fax, địa chỉ email của công ty khi giao dịch chính thức.

Chuyên gia cũng lưu ý, các doanh nghiệp cần các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics. 

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp ngại thuê do chưa quen, hoặc sợ tốn kém nhưng thực tế cho thấy, so với tổn thất thì không đáng là bao và phải coi đây là "đầu tư cho kiến thức" để tránh rủi ro chứ không phải là "chi phí" của doanh nghiệp. Nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên chi tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tổ chức cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, các sự kiện, hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài.

Điều không kém phần quan trọng là cần cố gắng kiểm soát "lòng tham" trong kinh doanh. Vì đó là mục tiêu mà đối tác xấu nhắm đến ngay từ ban đầu như cho giá tốt, mời đi du lịch miễn phí... Cũng như trong quá trình làm ăn với nhau thời gian dài sau đó có thể sẽ tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn, đến mức nào đó, dùng sơ hở có từ trước, hoặc mới phát sinh và vì đã "tin nhau" để gian lận, lừa đảo.

Cuối cùng, sau khi xác định là bị lừa đảo, doanh nghiệp nên thông báo cho bạn hàng, hiệp hội mà mình tham gia để phòng tránh chung; đồng thời, gửi thông tin cho hiệp hội mà kẻ lừa đảo là hội viên để tố cáo, bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có.

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Đà Nẵng

    08:35, 24/04/2022

  • Để nông sản Việt hết "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài?

    11:10, 20/04/2022

  • Xây dựng thương hiệu nông sản Việt

    04:00, 20/04/2022

  • “Trắc trở” nông sản Việt

    03:00, 18/04/2022

THY HẰNG