“Hiệu ứng domino” từ thị trường Trung Quốc
Xuất khẩu gián đoạn và nhỏ giọt, chi phí logistics tăng cao không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn tác động tới nhiều thị trường như Mỹ, EU.
>>>Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
Tình trạng hàng ngàn container hàng nông sản kéo dài ùn tắc khắp các cửa khẩu phía Bắc chờ lưu thông sang Trung Quốc đã kéo dài từ năm 2021 do quốc gia này theo đuổi “zero Covid”, đến tháng 4/2022, lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác được đưa ra càng khiến tình hình thông quan thêm khó khăn. Bên cạnh đó là hàng loạt tác động kéo theo.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An nhận định, việc Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố là "cú bồi domino" khiến xuất khẩu của doanh nghiệp chững lại tại thị trường này.
"Thiếu container rỗng khiến việc đóng hàng xuất khẩu bị đình trệ. Cùng với đó, vô vàn khó khăn đang ập tới với doanh nghiệp xuất khẩu", “Vua chuối” Võ Quan Huy chia sẻ.
Được biết, thông thường cứ thứ ba, thứ sáu hàng tuần, công ty ông Huy đóng hàng xuất nông sản sang Trung Quốc nhưng nay thời gian khó cố định và luôn phải dời ngày xuất hàng vì thiếu container hoặc tàu về chậm, thậm chí có khi tàu "delay" nhiều ngày. Do đó, thời gian vận chuyển hàng tăng gấp đôi. Người lao động cũng phải làm việc với thời gian biểu thất thường, có khi họ phải đóng hàng trong đêm.
Không chỉ vậy, giá vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trong gần đây và tăng mạnh nhất so với giá cước vận chuyển sang các quốc gia khác như Nhật, Hàn Quốc... Giá cước vận chuyển một kg chuối cùng kỳ năm ngoái chỉ 2.000 đồng thì nay tăng lên 7.500 đồng, tăng gần 4 lần so với tháng 4/2021.
"Nếu trước đây giá thành chuối xuất khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển trong khoảng 9.000 đồng thì nay tăng lên 13.000-14.000 đồng. 4 tháng đầu năm xuất khẩu vẫn có lãi nhưng ở mức khiêm tốn so với mọi năm vì bị ăn mòn các chi phí này", ông Huy nói.
Thậm chí, theo nhận định của nhóm phân tích CTCK BSC, chiến dịch Zero Covid tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhóm thuỷ sản. Việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ, do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
>>>Để nông sản Việt hết "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài?
>>>Doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì đứt nguồn cung nguyên liệu
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lo ngại “hiệu ứng domino” bởi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc còn được dự báo tiếp diễn. Theo đó, việc tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc, kết hợp với cuộc chiến ở Ukraine đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng khác như tại Mỹ và EU chịu tác động kép khi bởi vốn đang đứt gãy vì Covid-19.
Cảng container lớn nhất thế giới nằm ở Thượng Hải – thành phố đang phong tỏa khiến lượng tàu thuyền xếp hàng ngoài khơi gia tăng. Các container nhập khẩu ở Thượng Hải đang đợi trung bình 12,1 ngày trước khi xe tải đến vận chuyển. Con số này cao gấp gần 3 lần mức 4,6 ngày hôm 28/3.
Không phải chờ quá xa để những lo lắng của doanh nghiệp thành hiện thực. Thống kê của Công ty giao nhận hàng hóa Flexport trụ sở tại San Francisco (Mỹ), hiện mất trung bình 111 ngày để hàng hóa đến nhà kho ở Mỹ, kể từ thời điểm chúng sẵn sàng rời khỏi nhà máy ở châu Á. Số ngày này gần bằng kỷ lục 113 ngày vào tháng 1 và hơn gấp đôi thời điểm năm 2019. Hành trình đi về bờ Tây đến châu Âu thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, với mức kỷ lục gần 118 ngày.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu. Do đó khi các hạn chế được quốc gia này đưa ra, các cảng của Mỹ và châu Âu vốn đã ngập trong hàng hóa nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc mới này.
"Khi hoạt động xuất khẩu nối lại và một lượng lớn tàu cập cảng bờ Tây của Mỹ, chúng tôi dự báo thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể", Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành của công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, cho biết.
CTCK BSC thậm chí còn nhận định, việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại… sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống Cảng Việt Nam. Tác động sẽ tiêu cực hơn đối với nhóm doanh nghiệp Cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua Cảng là phục vụ các tuyến từ/đến các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, Châu Âu như ở miền Nam.
Có thể bạn quan tâm
Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
09:09, 02/05/2022
Nông sản Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Đà Nẵng
08:35, 24/04/2022
Để nông sản Việt hết "sống tầm gửi" thương hiệu nước ngoài?
11:10, 20/04/2022
Xây dựng thương hiệu nông sản Việt
04:00, 20/04/2022