Vietjet mở rộng “bay trước trả sau”

QUÂN BẢO 15/05/2022 04:00

Chương trình “Bay trước trả sau” của Vietjet phối hợp MOVI vừa được mở rộng thêm đối tượng người dùng. Đây là một hình thức mua trước trả sau, đang nổi nhưng lại vừa xuất hiện khó khăn.

>>Vietjet: Ra mắt sản phẩm mới “Bay Trước - Trả Sau”

Vietjet phối hợp với MOVI

Chương trình “Bay trước trả sau” của Vietjet phối hợp MOVI vừa được mở rộng thêm đối tượng người dùng.

Công ty MOVI kết hợp cùng hãng hàng không Vietjet vừa chính thức ra mắt phiên bản mở rộng của sản phẩm “Bay trước - Trả sau” áp dụng cho mọi đối tượng khách hàng. Chương trình này được phát triển với mục đích giúp khách hàng có nhu cầu đi máy bay có thể trải nghiệm hoạt động này mà không cần trả tiền trước.

Cụ thể, khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng chỉ cần có căn cước hoặc thẻ chứng minh nhân dân, truy cập vào website chính thức của Vietjet để lựa chọn chuyến đi. Sau đó khách hàng tiếp tục bấm chọn hình thức thanh toán Bay trước - Trả sau bằng dịch vụ tài chính MOVI.

Về phần mình, MOVI cấp hạn mức bay (hoặc nói cách khác, hạn mức công nợ sử dụng dịch vụ) lên đến 10 triệu đồng cho mỗi khách hàng. Mỗi khách sẽ trả góp số công nợ mình dùng để đặt vé với kỳ hạn từ 2 đến 6 tháng.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ, Vietjet và MOVI còn triển khai thêm một số khuyến mãi như giảm giá vé trực tiếp, rút thăm trúng thưởng, v.v..

Chương trình lần này là phiên bản mở rộng hơn so với chương trình “Bay trước - Trả sau” từng được Vietjet và MOVI giới thiệu vào đầu năm nay. Bởi chương trình trước đó chỉ dành cho khách hàng là nhân viên của MOVI.

Vietjet không phải là hãng hàng không duy nhất có chương trình này. Một số hãng hàng không trên thế giới cũng triển khai “bay trước, trả sau”.

Delta Airlines của Mỹ có chương trình “mua trước, trả sau”

Delta Airlines của Mỹ có chương trình “mua trước, trả sau”

>>Giống Vietjet, hàng không Mỹ cũng triển khai “bay trước, trả sau”

Chẳng hạn hãng Delta Airlines của Mỹ có chương trình “mua trước, trả sau”, cho phép khách hàng tạo gói thanh toán hàng tháng cố định, không tính lãi suất nếu dùng thẻ American Express đồng thương hiệu của Delta.

Trước đó một hãng hàng không khác ở Mỹ là Alaska Airlines cũng cho phép khách hàng bay trước và trả sau ít nhất 49 USD một tháng. Chương trình áp dụng cho sáu chuyến bay mỗi năm đến các địa điểm nhất định ở bờ Tây nước Mỹ.

Những chương trình như kiểu của Vietjet hay Delta Airlines là một dạng của dịch vụ tài chính mua trước trả sau (buy now pay later - BNPL) đang khá nổi trên thế giới. Mô hình này cho phép người dùng mua sắm, thanh toán hóa đơn trước rồi trả dần dần theo kỳ hạn. Điểm khác biệt giữa BNPL và các dịch vụ trả góp hoặc thẻ tín dụng truyền thống là kỳ hạn của BNPL ngắn hơn và người dùng không phải trả lãi (chỉ bị phạt nếu trả chậm).

Đối với khách hàng, dịch vụ này cho phép họ kéo dài thời gian thanh toán và giảm bớt áp lực tài chính. Còn đối với người bán, đây là một công cụ để hấp dẫn khách hàng. Đặt trong bối cảnh hiện nay khi lạm phát gia tăng, dịch vẫn tồn tại và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, khách hàng tìm cách thắt chặt chi tiêu, thì BNPL dường như là một giải pháp khả thi cho các hãng hàng không để thúc đẩy nguồn doanh thu của mình.

Tuy nhiên chính bản thân mô hình này đang gặp thế bí. Nếu như khoảng thời điểm cuối 2021 - đầu 2022, BNPL được nhận định là hình thức thanh toán online lớn nhất thế giới với mức tăng trung bình 28% mỗi năm trong 5 năm tới, thì giờ đây BNPL đang được định giá lại vì người dùng dần cảnh giác hơn với “bẫy nợ” mà dịch vụ này có thể đem lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Vietjet ghi danh top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

    Vietjet ghi danh top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

    09:13, 23/01/2022

  • Vietjet khai thác đường bay TP HCM - Băng Cốc

    Vietjet khai thác đường bay TP HCM - Băng Cốc

    09:20, 17/01/2022

QUÂN BẢO