Thương hiệu “Vietnam”: Cải thiện vị trí nhưng chưa gia tăng giá trị!
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, mức tăng giá trị 16% không đủ giúp Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng như thành tích từng đạt được vào năm ngoái.
Nhóm mười thương hiệu giá trị nhất thế giới lần lượt thuộc về Mỹ, Trung Quốc và Đức. Thương hiệu “United States” được định giá 25.899 tỷ USD, tăng hơn 4.800 tỷ USD so với mức định giá của năm 2017. Những yếu tố tác động tích cực đến giá trị thương hiệu này được Brand Finance đề cập đến gồm thuế suất giảm, môi trường kinh doanh thân thiện, chuyển biến thương hiệu cá nhân Tổng thống Donald Trump...
Có thể bạn quan tâm
Bình luận về ý nghĩa và vai trò thương hiệu quốc gia (THQG), bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội từng chia sẻ, cần phải nhìn nhận THQG như là cốt lõi quyền lực mềm của một nước, cho phép lan tỏa rộng rãi tên tuổi và hình ảnh tốt đẹp của nước đó. Chính nó đã cho phép một nước như Singapore phát huy được sức thu hút và tầm ảnh hưởng vượt trên cả tầm vóc địa lý – dân số và trọng lượng kinh tế của mình.
THQG không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hình ảnh quốc gia là “sản phẩm” và tài sản tinh thần của cả xã hội nên cần có sự góp sức của mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước và sự điều phối chiến lược của Nhà nước. THQG của Việt Nam sẽ là sự tương tác giữa sự tự nhận thức của người Việt về bản thân mình, về đất nước và con đường mình đi, và nhận thức của thế giới đối với hình ảnh, bản ngã Việt Nam. Sự gặp gỡ của hai nhận thức đó sẽ tạo ra cốt lõi cho một thương hiệu đất nước mà chúng ta hướng tới.
Vậy làm thế nào để xây dựng THQG mạnh? Theo bà Ninh, Xây dựng THQG là quá trình tạo dựng và quản lý hình ảnh của quốc gia đó. Có thể ví việc này như một bản hòa tấu. Trước hết, phải sáng tác một bản nhạc chung; đó là nội hàm được xác định một cách đồng thuận giữa nhạc sĩ sáng tác (các chuyên gia), nhạc công (công chúng, các thành phần xã hội) và nhạc trưởng (Nhà nước, Chính phủ). Thách thức lớn của việc soạn bản nhạc này là phải tránh phân tán nội hàm theo kiểu "cái gì cũng phải có", mà phải chọn lọc và có mũi nhọn.
Vẫn theo bà Ninh, nội hàm chủ lực có thể tổng hợp một số thương hiệu nổi bật theo từng lĩnh vực được trong và ngoài nước công nhận như: thương hiệu doanh nghiệp; thương hiệu địa danh (Hạ Long, Hội An...); thương hiệu ngành, sản phẩm (ẩm thực – đặc biệt, ẩm thực đường phố; phở, cà phê; hay thương hiệu biểu trưng như áo dài, nón lá Việt Nam); thương hiệu nhân vật (như Võ Nguyên Giáp, Bùi Xuân Phái, Ngô Bảo Châu...).
Và khó nhất là, nhóm đặc tính con người Việt Nam (như tính kiên cường - kiên trì, đa dạng - linh hoạt - thích nghi, thông minh - sáng tạo, bao dung - rộng lượng…). Có được bản nhạc hay thì nhạc trưởng mới có thể phát huy tài chỉ huy, điều phối nhạc công, để kết quả cuối cùng là một bản hòa tấu độc đáo, tạo được ấn tượng và cảm xúc nơi người Việt và khách quốc tế.
Trong nỗ lực chung này không thể thiếu vai trò đầu tàu tạo động lực, chỉ huy và điều phối của nhạc trưởng, nhưng nhạc trưởng không nên - và không thể - làm thay bất kỳ một nhạc công nào. Mỗi nhạc công cũng phải nhận thức vai trò và trách nhiệm của mình trong việc góp phần sáng tạo một bản nhạc biểu trưng cho quốc hồn quốc túy, và thể hiện bản nhạc này một cách hài hòa với các nhạc công khác dưới sự chỉ huy mạch lạc của nhạc trưởng.
“Xây dựng THQG phải có sự đồng thuận và hưởng ứng của cả xã hội, cần thời gian và đầu tư đúng mức về vật chất và tinh thần”, bà Ninh khẳng định.