Thương hiệu quốc gia và phương thức vượt qua “biên giới”

Phan Nam 01/01/2019 03:02

Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã đến lúc phải chuyển thành hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và thế giới, dựa trên giá trị cơ bản của thương hiệu Việt Nam.

Tại cuộc gặp mặt gần 100 doanh nghiệp có sản phẩm đạt "Thương hiệu quốc gia" năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức mạnh của nền kinh tế.

p/Với biểu trưng “Việt Nam Xuất sắc” – Biểu trưng của phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” sẽ được trao tặng hàng năm cho những thương hiệu dẫn đầu cũng là cách để hàng Việt Nam sẽ dần chiếm trọn niềm tin yêu của người Việt.

Với biểu trưng “Việt Nam Xuất sắc” – Biểu trưng của phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” sẽ được trao tặng hàng năm cho những thương hiệu dẫn đầu cũng là cách để hàng Việt Nam sẽ dần chiếm trọn niềm tin yêu của người Việt.

Kỳ vọng lớn

Thủ tướng cho rằng, thương hiệu chính là nhiệt kế, là thước đo quan trọng hàng đầu cho sức khỏe của doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, thương hiệu quốc gia là đại diện cho hình ảnh Việt Nam. Thương hiệu này phải được thị trường quốc tế công nhận để có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp yêu nước và có tinh thần dân tộc sẽ dày công xây dựng thương hiệu quốc gia. Đó chính là sức mạnh để tạo nên những thương hiệu có giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Thương hiệu Việt không dễ bị "vấy bẩn"

    06:54, 05/08/2018

  • Trao thưởng Chương trình “Sanest Khánh Hòa - niềm tự hào thương hiệu Việt Nam”

    22:35, 15/11/2018

  • Pinaco: Thương hiệu Việt vươn ra thế giới

    16:14, 18/12/2018

Không thể phủ nhận các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia có đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, nếu nhìn thực tế vào trong số 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia 2018 có thể dễ dàng nhận thấy số lượng doanh nghiệp đủ khả năng vượt “biên giới” và tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế vẫn rất khiêm tốn. Ngay cả như Viettel, FTP, Vinamilk… cũng chỉ mới đặt được dấu ấn ban đầu trên thị trường quốc tế chứ chưa thực sự như những biểu tượng thương hiệu quốc gia.

Những con số thống kê đã minh chứng cho điều đó. Theo số liệu báo cáo, tổng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp đạt "Thương hiệu quốc gia" năm 2018 đạt hơn 924.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu mới chỉ đạt gần 5,7 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng người tiêu dùng có quyền đòi hỏi hàng Việt chất lượng cao. Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt đã đến lúc phải chuyển thành hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và thế giới, dựa trên giá trị cơ bản của thương hiệu Việt Nam.

“Chìa khoá” trong tay doanh nghiệp

Tuy nhiên kết quả khảo sát hơn 500 DN của Bộ Công Thương cho thấy, ấn tượng của người tiêu dùng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu và các doanh nghiệp chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Điều này khiến nhiều thương hiệu Việt Nam đã được người tiêu dùng thế giới biết đến như cà phê Trung Nguyên, giày dép Biti’s... đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Một trong những nguyên nhân chủ đạo đó là trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên mặc dù rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhưng “lực bất tòng tâm”.

Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam do Bộ Công Thương vừa tổ chức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Võ Trí Thành nhìn nhận, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã kéo dài 16 năm nhưng thực chất con số ấy chỉ bằng một nửa tiến trình đổi mới cải cách của Việt Nam. Điều đó cho thấy, chúng ta có phần chậm trễ trong nhìn nhận vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia nên trên các phương tiện thông tin đại chúng rất hiếm khi xuất hiện logo giá trị Việt.

Trước thực trạng đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 07 giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp dẫn đầu và các Bộ ngành phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” để chuyển trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân sang một tâm thế mới.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” thực chất là cuộc vận động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và thương hiệu Việt. “Made in Việt Nam” – sản xuất bởi Việt Nam để phục vụ cho đồng bào mình và vươn ra thị trường thế giới... Đây là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên, “chìa khoá” vẫn nằm ở năng lực và khả năng sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phù hợp với từng phân khúc thị trường. Hay nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp tự hỏi mình đã làm gì để phục vụ người tiêu dùng để có sản lượng lớn hơn, trường tồn với thời gian? Các doanh nghiệp phải trả lời câu hỏi này với khách hàng, thị trường và trên hết là đất nước. Bởi chúng ta giữ gìn, tôn vinh thương hiệu quốc gia tức là tôn vinh đất nước.

Phan Nam