Chiến lược nào cho Thương hiệu Quốc gia?
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước sản xuất nguyên liệu thô, cung cấp đầu vào cho các tập đoàn và thương hiệu lớn, việc xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia trở thành yêu cầu cấp bách.
Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” vừa được Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Vietnam Value cho biết, hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển đến mức độ địa phương, ngành hàng và ở cấp quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh bằng thương hiệu mạnh mẽ trên toàn thế giới, 80 quốc gia đang triển khai xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia (THQG) phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, tới đây, nội dung của Chương trình THQG Việt Nam sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch. Từ đó, xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doạnh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình THQG Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Trưởng ban Thư ký Chương trình THQG cho biết, Đề án Chương trình THQG Việt Nam và Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, xây dựng THQG nhằm mục đích thu hút nguồn lực toàn cầu cho tăng trưởng và phát triển để người dân của quốc gia đó có được cuộc sống với thu nhập cao, phúc lợi xã hội tốt. Một THQG càng thu hút sẽ hấp dẫn được các nguồn lực càng tích cực và giá trị về quốc gia đó. Kinh tế thế giới và quốc gia càng khó khăn, các quốc gia càng cố gắng và cạnh tranh để thu hút nguồn lực này.
"Thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, tăng cường sự liên kết và phối hợp hoạt động của các cơ quan và tổ chức hữu quan trong việc triển khai Chương trình THQG, hướng tới hình ảnh một quốc gia gắn liền với những thương hiệu xứng tầm quốc tế, niềm tự hào của dân tộc Việt" - ông Nghĩa thông tin.
Thương hiệu chính là biểu tượng của chất lượng, uy tín, là giá trị, tài sản vô hình của một sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia đã tạo ra nó. Theo bảng xếp hạng 100 THQG có giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí được cải thiện lên 2 bậc, lên thứ 43 trong bảng xếp hạng.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát, thương hiệu khác với nhãn hiệu. Để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm phải mất cả quá trình và đầu tư mọi nguồn lực. "Để xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được nó càng khó hơn, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự đồng hành của cơ quan nhà nước cả lúc phát triển cũng như lúc khó khăn nhất" - bà Phương bày tỏ.
Được biết, để nâng cao thế mạnh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, thực hiện Nghị định số 28/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.