Nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Chỉ dẫn địa lý và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.
Sâm Ngọc Linh là một là một loài sâm đặc hữu của Việt Nam. Cây dược liệu quý này không chỉ có giá trị về mặt y học mà còn có giá trị kinh tế rất cao, vì vậy Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh” đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, kèm theo những cơ chế chính sách đặc thù. Sâm Ngọc Linh có nhiều ưu điểm hơn hẳn các loại sâm khác trên thế giới, vì vậy phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ mang lại giá trị kinh tế, thương mại hoá sản phẩm mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tỉnh Kon Tum đã xác định sâm Ngọc Linh là ngành kinh tế mũi nhọn, là sản phẩm chủ lực, tạo đột phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho tỉnh. Cùng với cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, nhân rộng diện tích sâm.
Có thể bạn quan tâm
Phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh
07:00, 21/01/2019
Để “quốc bảo” sâm Ngọc Linh định vị thị trường thế giới: Kỳ 1: Đừng để “quốc bảo” sâm Ngọc Linh ngủ đông
13:55, 26/09/2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Đưa quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh”
15:56, 06/09/2018
Xây dựng các doanh nghiệp hạt nhân trong phát triển "quốc bảo" sâm Ngọc Linh
14:48, 06/09/2018
Cùng với dịch tích hiện có, đến nay, UBND tỉnh đã giao rừng cho 05 doanh nghiệp, đơn vị thuê 7.370,19 ha rừng để trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông. Cụ thể, Dự án Quản lý, bảo vệ và xây dựng vườn ươm giống Sâm Ngọc Linh, của Trung tâm Ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ với diện tích 20 ha; Dự án Quản lý, bảo vệ rừng kết hợp trồng cây dược liệu Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với diện tích gần 4.800 ha; Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng một số cây dược liệu quý hiếm của Công ty Cổ phần dược liệu MEKONG với diện tích 27,14 ha; Dự án Đầu tư quản lý bảo vệ rừng kết hợp phát triển cây Sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu dưới tán rừng của Công ty CP Vingin trên diện tích 1.454 ha; Dự án Xây dựng vùng sản xuất rau - hoa và trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty TNHH Thái Hòa với diện tích 8 ha.
Đặc biệt, Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh được xây dựng tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô – cách thành phố Kon Tum khoảng 50km. Trung tâm thực hiện nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực: Nhân giống, chọn tạo giống và các kỹ thuật canh tác; công nghệ thu hoạch, bảo quản và chế biến sâm và dược liệu khác; công nghệ gene, sinh học phân tử trong chọn tạo giống cây sâm; phân tích thành phần dược chất; định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu; hợp tác quốc tế, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện một số hoạt động dịch vụ như sản xuất cung cấp cây giống và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh; phân tích và kiểm nghiệm sâm và các sản phẩm từ sâm; tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nhân lực lĩnh vực liên quan. Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh hiện đã có 08 giải pháp hữu ích được công nhận sở hữu trí tuệ; 01 bộ gene lục lạp được đăng ký bảo hộ lên Ngân hàng gene NCBI; đã và đang chủ trì thực hiện 05 đề tài, trong đó có 03 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài cấp Bộ về sâm Ngọc Linh.
Tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Sâm Ngọc Linh là món quà núi rừng linh thiêng đã ban tặng cho con người. Có thể nói Sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng vì ngoài những giá trị về sức khỏe, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như người Hàn Quốc đã làm với nhân sâm. Chúng ta có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc…
Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm, phát triển ngành công nghiệp sâm bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ có chọn lọc, đặc biệt khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh.
Ông Trần Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm, từ những mầm sâm ban đầu thu mua của người dân, đến năm 2011, doanh nghiệp đã tạo dựng được vườn sâm gốc hơn 140 ha; từng bước hoàn thiện quy trình nhân giống bằng hạt cũng như gieo ươm, chăm sóc Sâm Ngọc Linh. Đến nay, vườn sâm của doanh nghiệp đạt gần 500 ha; sản xuất hàng triệu cây giống mỗi năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã triển khai mô hình trồng Sâm Ngọc Linh trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ rừng bền vững. Tham gia mô hình, bà con được trả công; cấp cây sâm giống, hướng dẫn kỹ thuật để trồng trên đất do doanh nghiệp quản lý... Đến nay, đã liên kết trồng Sâm Ngọc Linh với hơn 400 hộ gia đình ở 20 thôn, làng của 3 xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây. Trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh sẽ tiếp tục mô hình hỗ trợ sâm giống cho người dân tự trồng; đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, với nhiều dòng sản phẩm từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.