Công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng

Hằng Hà 10/11/2019 16:18

Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng và là chỉ dẫn địa lý thứ 75 được bảo hộ tại Việt Nam.

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa công bố Quyết định cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hành tím Vĩnh Châu cho Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hành tím Vĩnh Châu cho Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng

Hành tím là một sản phẩm đặc sản của huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con nông dân.

Hiện diện tích trồng hành tím của Sóc Trăng là 6.500 hécta, được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cục Sở hữu trí tuệ tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện dự án bảo hộ chỉ dẫn địa lý

    Cục Sở hữu trí tuệ tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện dự án bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cà Mau"

    12:00, 07/10/2019

  • Cà phê Sơn La chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

    Cà phê Sơn La chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

    22:00, 24/08/2018

  • Thủ tướng mong muốn Tiền Giang trở thành chỉ dẫn địa lý trái cây của Việt Nam

    Thủ tướng mong muốn Tiền Giang trở thành chỉ dẫn địa lý trái cây của Việt Nam

    13:36, 09/08/2018

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, việc cấp chỉ dẫn địa lý Vĩnh Châu cho sản phẩm hành tím là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, địa phương mà người dân Vĩnh Châu đã tích lũy, lưu giữ qua nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam nói chung và các sản phẩm của Sóc Trăng nói riêng đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công tác tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Điều đó, đòi hỏi ngoài việc phải tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh theo luật chơi của quá trình hội nhập, cần phải cơ cấu lại sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện tự nhiên cũng như sự vận động của cơ chế thị trường. Vì vậy, vấn đề quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý như thế nào để khai thác hết được những giá trị của chỉ dẫn địa lý sẽ là một bài toán đặt ra cho tỉnh Sóc Trăng nói chung và thị xã Vĩnh Châu nói riêng.

Sản phẩm

Việc cấp chỉ dẫn địa lý Vĩnh Châu cho sản phẩm hành tím là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng sản phẩm.  

Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu cần dựa trên định hướng, chính sách của Nhà nước, cũng như địa phương nhằm xây dựng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại phù hợp. Cụ thể hơn đó là định hướng về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương. 

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch đối với sản phẩm hành tím, nhằm giải quyết quan hệ cung - cầu của thị trường. 

Thúc đẩy xây dựng sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã, hình thành các chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, vùng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc nhằm khai thác và sử dụng những giải pháp hỗ trợ về sản xuất, quảng bá và thương mại của Chương trình OCOP. 

Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp, người dân để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ nguồn lực, đặc biệt là tài chính để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển thị trường đối với sản phẩm hành tím mang chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân địa phương.  

Hằng Hà