Chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập

Ts Lê Kim Dung, Cục Việc Làm (Bộ LĐTB&XH) 06/04/2018 12:42

Chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

1. Một số thông tin về thị trường lao động và chất lượng nguồn nhân lực

Với dân số ước tính khoảng 94 triệu người vào năm 2018; trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,61 triệu người, chiếm 59,5%, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định. Biểu đồ 1 cho thấy dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam vẫn gia tăng (từ Q2/ 2012 đến quý 2/2017 dân số tăng 3,4 triệu người), lực lượng lao động trong giai đoạn này vẫn tăng trên1,9 triệu người) và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức ổn định.

Biểu đồ 1: Dân số 15 tuổi trở lên và lực lượng lao động Việt Nam Q2/2012, Q 2/2017

Đơn vị tính: nghìn người

(Nguồn: Điều tra lao động việc làm, TCTK)

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: Biểu đồ 2 cho thấy lực lượng lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tăng trong giai đoạn Q2/2012 đến quý 2/2017. Tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật giảm 5,10 điểm phần trăm, tỷ lệ lao động với trình độ sơ cấp tăng 1,08 điểm phần trăm, tỷ lệ lao động với trình độ cao đẳng tăng 0,80 điểm phần trăm và tăng cao nhất là tỷ lệ lao động với trình độ đại học tăng 3,00 điểm phần tram.

Biểu đồ 2: Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Q2/2012 đến quý 2/2017

 (Nguồn: Điều tra lao động việc làm, TCTK)

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao. Theo Bản tin Thị trường lao động số 15, tại thời điểm Quí 3/2017 số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quí 2/2017 ở mức 237 nghìn người, tương đương 4,51%.

Xu hướng thất nghiệp gia tăng có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường Đại học, cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của của cơ quan doanh nghiệp. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; chưa đưa ra được các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động và tính hiệu quả chưa cao của hoạt động dịch vụ việc làm đã góp phần làm gia tăng xu hướng này.

2. Tác động của hội nhập quốc tế tới phát triển nguồn nhân lực- cơ hội và thách thức

Toàn cầu hóa và hội nhập đang là xu hướng phát triển chủ yếu trong các quan hệ quốc tế trên tất cả các phương diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thông qua các cam kết, các hiệp định. Việt Nam đã trở thành các thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam, tham gia vào CPTPP, các định chế quốc tế sẽ thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và lao động, nhất là lao động có kỹ năng có cơ hội di chuyển trong thị trường lao động của khối AEC. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động có chất lượng, có kỹ năng. Xuất khẩu tăng được xem là yếu tố quan trọng để tạo việc làm. Bên cạnh đó đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt nam cũng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.

Cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp: tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.v.v…

- Người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm sau quá trình học tập, bởi thị trường lao động không chỉ là thị trường trong nước mà còn cả thị trường rộng lớn của khu vực ASEAN. Văn bằng, chứng chỉ sau quá trình đào tạo của người học cũng được công nhận ở các nước trong khu vực, tạo điều kiện để dễ dàng được công nhận bởi các nước khác trên thế giới.

- Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ.

- Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của dòng chảy đầu tư quốc tế, giúp tăng những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô lớn giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động, tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cùng với nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động…

- Thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc, bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao.

- Năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng lên giúp cho nền kinh tế giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Thách thức

- Di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và gay gắt. Thách thức lớn nhất là tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực sẽ rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của GDNN Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa nước ta với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác.

- Trong năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số sẽ làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian. Một vấn đề khác là nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng biến đổi khí hậu khiến một số ngành suy giảm mạnh và lợi thế cạnh tranh.

- Khả năng hòa nhập của HS, SV sau tốt nghiệp trong môi trường lao động mới. Để đạt được điều này có hai yếu tố quyết định mà HS, SV ít được đào tạo trong trường đó là Tiếng Anh và tác phong công nghiệp. Khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và ý thức, tác phong làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam.

 - Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới, khu vực và quốc gia. Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi ngư­ời lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng; thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao.

- Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Sự không đồng đều về chất lượng nhân lực trong nước và so với các nước trong khu vực trong điều kiện yêu cầu cao về kỹ năng nghề và đổi mới nhanh chóng về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ.

- Chất lượng việc làm còn thấp, trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế trong giai đoạn suy giảm, tăng trưởng kinh tế không cao đã ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho người lao động. Nguồn lực hỗ trợ tạo việc làm thấp, chưa đảm bảo để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao; chất lượng lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung 51,6%, trong đó qua đào tạo từ 3 tháng trở lên (có bằng cấp chứng chỉ) mới đạt khoảng 21,9%.

- Thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp, nhưng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đang xây dựng và bước đầu hướng tới chuẩn khu vực và thế giới.

- Việc quản lý lao động: quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc còn lỏng lẻo; vấn đề tiếp cận với thông tin thị trường lao động ngoài nước còn hạn chế. Vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập.

3. Một số Giải pháp

3.1. Về  phát triển nguồn nhân lực

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới sẽ tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau đây:

Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo  nghề:

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển GDNN trong đó nguồn ngân sách nhà nước là quan trọng;

- Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN: Rà soát tổng thể đội ngũ nhà giáo GDNN (cả giáo viên trong các trường TCCN và CĐ) để thực thiện chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa để đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2020. - Phát triển chương trình và đào tạo nghề chất lượng cao:

+ Đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với Khung trình độ quốc gia, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm, các nghề có trong danh mục của hội thi tay nghề ASEAN, rà soát và điều chỉnh việc xây dựng các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, theo hướng linh hoạt, tăng tính thực hành.

+ Lựa chọn các nước thành công trong phát triển dạy nghề để tổ chức tiếp nhận và sử dụng đồng bộ chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với thị trường lao động Việt Nam cho các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế.

+ Tiếp tục xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề, ưu tiên tập trung các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; rà soát, chỉnh sửa các danh mục thiết bị đã ban hành theo hướng tiếp cận với các nước trong khu vực; áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế.

- Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng:

+ Rà soát, thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN; xây dựng các cơ chế, quy định về đảm bảo chất lượng; các cơ chế, quy định và phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng trong các cơ sở GDNN;

- Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề:

+ Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho ngư­ời lao động của doanh nghiệp;

+ Các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

+ Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dạy nghề:

+ Tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của GDNN đối với toàn xã hội.

+ Xây dựng các sản phẩm tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông; giới thiệu việc làm trong trường nghề.

- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN

+ Tiếp tục hợp tác với chính phủ Hàn Quốc, Đức, Italia và Nhật Bản trong triển khai các dự án ODA trong lĩnh vực dạy nghề đã ký kết; thực hiện đám phán với các nhóm nước trong ASEAN để tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ và kỹ năng nghề giữa các nước;

+ Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở GDNN trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở GDNN, hợp tác đào tạo, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

3.2. Về Việc làm:

- Phát triển thị trường lao động trong giai đoạn đến năm 2020vẫn phải kết hợp giữa chiến lược phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, hướng về xuất khẩu, phát huy được các lợi thế so sánh và tiềm năng của lực lượng lao động với chiến lược tập trung vào nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ yêu cầu công nghệ và kỹ năng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập

- Thúc đẩy thực hiện cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương nhằm đảm bảo tiền lương thực tế được trả đúng theo cơ chế thị trường đồng thời phù hợp với sự đóng góp của người lao động vào quá trình tăng trưởng.

- Thúc đẩy quá trình tự do lựa chọn việc làm và dịch chuyển lao động (dịch chuyển dọc theo các cấp trình độ, dịch chuyển ngang giữa các thành phần sở hữu, khu vực, vùng và quốc tế) đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động (hướng nghiệp, dịch vụ việc làm, thông tin và dự báo thị trường lao động) và tổ chức cung cấp các dịch vụ công về việc làm có hiệu quả.

- Hỗ trợ các nhóm yếu thế trong thị trường lao động, tăng cường an sinh xã hội cho người lao động trong khi làm việc và chuyển đổi việc làm. Tăng cường sự tham gia của người lao động vào chế độ bảo hiểm xã hội. Tăng cường khả năng phòng ngừa và khắc phục rủi ro về việc làm và thu nhập của người lao động.

- Xây dựng quan hệ lao động lành mạnh và nâng cao năng lực của các chủ thể trên thị trường lao động, đặc biệt là năng lực quản lý, tổ chức, điều tiết và hỗ trợ thị trường lao động phát triển của Nhà nước.

Ts Lê Kim Dung, Cục Việc Làm (Bộ LĐTB&XH)