Đổi mới giáo dục bậc cao để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 và hội nhập CPTPP
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0.
Cuộc Cách mạng KH-KT 4.0 và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học; Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới... Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.
Đặc biệt, nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học cảnh báo, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN…
Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Việc sử dụng và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp. Họ không thể tìm ra đủ số lượng nhân sự để đáp ứng cho sự phát triển của mình. Cuộc cạnh tranh quyết liệt nhất hiện nay chính là cạnh tranh nguồn nhân lực. Đây là "cạm bẫy" mà rất nhiều nước ASEAN và Mỹ Latinh vấp phải. Mặc dù các quốc gia này rất nhanh chóng đạt được mức thu nhập trung bình, nhưng không thể vươn lên được mức thu nhập cao, do không bước vào giai đoạn nội lực hóa kỹ năng và công nghệ, nghĩa là không có nguồn nhân lực đủ trình độ sáng tạo và làm chủ về công nghệ, quản lý. Đối với Việt Nam, nếu không có nguồn nhân lực có chất lượng để bước lên những bậc thang cao hơn thì cũng rất khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Lợi thế cạnh tranh của một quốc gia được cấu thành từ nhiều yếu tố như: hạ tầng, thể chế, môi trường kinh doanh, nhân lực… trong đó nhân lực được coi là yếu tố cạnh tranh có tính riêng biệt, quyết định đối với mỗi quốc gia; vì những giá trị mà nguồn nhân lực đóng góp cho năng lực cạnh tranh là bền vững, không thể sao chép giữa các quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang có ưu thế cạnh tranh nhất định với thế giới bằng nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ và đang trong giai đoạn dân số vàng.
Chất lượng nguồn nhân lực: chưa đáp ứng yêu cầu
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có thể nhận định rằng: chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và cơ cấu lao dộng vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến năng suất lao động thấp.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng còn nhiều bất cập, khi nhân lực được qua đào tạo có tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi các doanh nghiệp lại thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Một nghiên cứu cuối 2017 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, năng suất lao động bình quân hàng năm/lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước đứng ở vị trí thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2014, khi so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác.
Tỷ lệ các doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà doanh nghiệp cần rất lớn. 65% chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại lao động theo hình thức vừa học, vừa làm.
Đây là yếu tố đáng lo ngại, bởi nó cản trở khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung, bởi loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước là thành phần kinh tế có số lượng doanh nghiệp đông nhất.
Tuy vậy, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LDTBXH), lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp - trình độ từ cao đẳng trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm 27,2% trong tổng số lao động thất nghiệp.
Trong khi, nhóm lao động đã qua đào tạo nghề bao gồm: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề hay nhóm lao động chưa qua đào tạo nghề chỉ có tỷ lệ thất nghiệp tương ứng 5,3% và 2,2%. Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do nhóm lao động này sẵn sàng làm các công việc giản đơn trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng phần nào chỉ ra, sự bất hợp lý giữa ngành nghề đào tạo với yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam ước tính đang sử dụng gần 14 triệu lao động, chiếm gần 64% số lao động làm công ăn lương và hơn 35% lực lượng lao động có việc làm của cả nước… Phát triển nguồn lao động đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của doanh nghiệp là một trong những vấn đề cơ bản, cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam cần đổi mới tư duy trong nền giáo dục quốc dân
"Chúng ta không thiếu việc làm mà thiếu cử nhân làm được việc". Nhận xét khái quát này cho thấy việc đào tạo học để có nghề và ra làm được nghề có rất nhiều bất cập. Điều này tồn tại đã lâu và được nói đến nhiều nhưng vẫn chưa thể khắc phục. Chính vì thế mà hằng năm Việt Nam có khoảng 223.000 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ công lập và 22.700 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ dân lập (theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến cuối năm 2017), nhưng tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp là 63% (theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo – cùng năm).
Một hậu quả tiếp theo là, vì phần đông cử nhân ra trường vẫn mơ hồ về định hướng nghề nghiệp, mục tiêu mong muốn đạt tới, hình mẫu lý tưởng trong nghề nghiệp của mình, thiếu kiến thức thực tế và kỹ năng hành nghề, cũng như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm... làm cho nhiều nhà tuyển dụng thấy việc tuyển các cử nhân vào các vị trí làm việc rất khó khăn.
Một vấn đề nữa là, việc đào tạo ở bậc học đại học chưa thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc lựa chọn nghề nghiệp theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan. Dự báo quốc gia về nhu cầu lao động trong tương lai chưa có, vì thế dẫn tới tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề, và tiếp theo sẽ là thừa cung lao động trong một số nghề và thiếu lao động trong nhiều nghề khác - những nghề mà hiện nay rất ít học sinh nộp hồ sơ dự học, nhưng lại rất cần thiết đối với sự phát triển của đất nước.
Một trong những đặc thù của cách mạng 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Lẽ ra, các trường nghề, trường đại học phải dạy học viên khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp hiện đại thì hiện nay vẫn nhiều trường vẫn theo cách giảng cũ, cách tư duy cũ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó kỳ vọng sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, bởi không có trường đại học nào có thể đào tạo theo kịp được phát triển hiện nay. Đơn cử, đào tạo đại học chỉ mang tính chất căn bản, cách tư duy và cách thức hòa nhập vào môi trường, doanh nghiệp mới là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cần thay đổi cách thức đào tạo. Nếu như trước đây là học trước làm sau thì hiện nay có thể thay đổi ngược lại, các trường đại học khi đào tạo nên cho sinh viên thực hành, làm để biết trước rồi học sau. Đáng chú ý, trước đây trong đào tạo chủ yếu là 100% kiến thức từ thầy thì hiện nay cần tăng cường tự học của người học và tăng cường việc dạy thực tiễn của các chuyên gia, doanh nhân… Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên ngành như trước đây, đồng thời học không có nghĩa là nghe theo, học thuộc mà cần tăng sự phản biện của người học… mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.