50 triệu USD đào tạo nhân lực hàng không: Thiếu phi công không còn là vấn đề!

Lê Mỹ 19/04/2018 13:49

BAA Training - Một trong những trung tâm đào tạo phi công lớn nhất Bắc Âu vừa quyết định đầu tư 50 triệu USD, mở trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân lực tại Việt Nam...

Cơ sở quyết định đầu của BAA dựa trên tiềm năng phát triển thị trường hàng không và nhu cầu nhân lực phi công ở Việt Nam. Dẫn số liệu dự đoán của hãng Boeing, BAA cho biết khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ cần nguồn nhân lực cho 253,000 vị trí phi công từ nay cho tới năm 2036. Tính riêng ở vùng Đông Nam Á, số lượng máy bay sẽ tăng từ 1,410 cho tới 4,200 chiếc từ năm 2016 cho đến năm 2036. Trong đó, 77% trong số này là loại máy bay một lối đi, chủ yếu là dòng A320 và 737.

Một lớp đào tạo của BAA Trainning

Một lớp đào tạo của BAA Trainning

Để đáp ứng nhu cầu về huấn luyện phi công đang gia tăng trong khu vực, BAA Trainning Vietnam đang tiến hành xây dựng cơ sở huấn luyện hiện đại và tiên tiến nhất.

Nói riêng với thị trường Việt Nam, sự tăng trưởng của ngành hàng không và đặc biệt sự mở cửa thị trường với sự gia nhập của các hãng hàng không tư nhân, trong đó, Vietjet Air sau 7 năm cất cánh đã làm nên điều "không tưởng" là nắm giữ khoảng một nửa thị phần vận chuyển hàng không (hành khách) nội địa; cùng với đó là sự hiện diện của Bamboo Airways trong nay mai, khiến sức nóng và nhu cầu nhân lực ở thị trường này chắc chắn tăng nhiệt. 

Trong một chia sẻ bên lề hội thảo về hàng không, TS Lương Hoài Nam, cựu lãnh đạo của Jetstar cũng cho biết ông đang nộp hồ sơ xin mở một hãng bay và ông đang rất kiên trì để chờ đến ngày có quyết định được phê duyệt. Bên cạnh đó, về mặt hạ tầng, Chính phủ vừa quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam theo một trong số các phương án tư vấn của Công ty Tư vấn Độc lập Pháp ADPI, dự kiến sau mở rộng sẽ phục vụ công suất tối thiểu 50 triệu khách mỗi năm, giải quyết vấn đề khó khăn về hạ tầng của hàng không ở Tp Hồ Chí Minh - nguyên nhân đã và đang khiến nhiều hãng bay quốc tế "chùn bước" trong kế hoạch nâng số chuyến bay đi-đến Cảng hàng không này. 

BAA cũng cho biết trong kế hoạch mở trung tâm đào tạo Việt Nam, họ đã xây dựng gần hoàn thiện và thiết bị mô phỏng buồng lái A320 đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2018. Hơn thế nữa, để thúc đẩy quá trình phát triển và tăng cường khả năng hoạt động của trung tâm, thiết bị mô phỏng buồng lái Airbus A320 NEO và Boeing 737 MAX cũng sẽ hoàn thành việc lắp ráp vào năm 2020. Ngoài ra, BAA Training Vietnam còn đang nhắm tới việc mở cửa trường đào tạo phi công Ab Initio trong vòng 5 năm tới để đáp ứng được nhu cầu đào tạo phi công chuyên nghiệp trong vùng.

Ông Egle Vaitkeviciute, CEO của BAA Training cho biết: “Bằng việc thành lập trung tâm BBA Training Vietnam, chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, đã được tích luỹ qua nhiều năm vận hành các trung tâm BBA Training trên thế giới, cũng như đảm bảo dịch vụ huấn luyện bay chuyên nghiệp và minh bạch cho cả khách hàng tư nhân và doanh nghiệp trong khu vực.”

Như vậy, bài toán về đào tạo nhân lực phi công chất lượng cao và chi phí không hề rẻ - thách thức không nhỏ của các hãng bay đặc biệt theo mô hình hybrid để kinh doanh vận chuyển phục vụ nhu cầu nội địa và quốc tế, đã có hướng ra. Rất có thể trong tương lai, nhiều người Việt sẽ trở thành những phi công chuyên nghiệp và đi "đánh thuê" cho cả thị trường quốc tế, khi cơ hội được đào tạo bàn bản theo chuẩn mực thế giới, đã mở ngay trên sân nhà. 

Lê Mỹ