Đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 tại ĐBSCL

Ths Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Chuyển đổi số Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp 27/08/2018 13:28

ĐBSCL là một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, chắc chắn là nhân tố quan trọng kiến tạo sự thành công của cuộc cách mạng 4.0.

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra để Việt Nam có thể vượt qua thách thức cuộc CMCN 4.0, hội nhập với kinh tế thế giới một cách sòng phẳng và chủ động. Công nghệ 4.0 hội tụ thay đổi nhanh và tác động sâu rộng đã tạo ra môi trường VUCAH bắt đầu bằng chữ V-Volatile - biến động, U - Uncertainty - không chắc chắn, C- Complexity phức tạp - A - Ambiguity - không rõ ràng và cuối cùng H - Hyperconnected - siêu kết nối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP .

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP .

Trong môi trường kinh doanh VUCAN, một quốc gia muốn phồn thịnh phải trở nên vị thế dẫn dắt, làm chủ công nghệ và kiến tạo những sản phẩm và dịch vụ không những phục vụ trong nước mà còn hướng ra nước ngoài. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước chắc chắn là nhân tố quan trọng trọng kiến tạo sự thành công của cuộc cách mạng 4.0 như kỳ vọng của chính phủ và nhân dân.

Chiến lược 4.0 của ĐBSCL có những lựa chọn: Thứ nhất, tiếp nhận và thực hiện thành công cô ng nghệ 4.0 nhằm gia tăng giá trị đóng góp kinh tế cho những ngành và sản phẩm hiện tại; Thứ hai, xác định và chọn lựa phát triển những mũi nhọn ngành mới trọng điểm trong 4.0; Thứ ba, là một nơi cung cấp đầu vào đảm bảo thành công của cuộc cách mạng 4.0 tại khu vực phía Nam và trên cả nước.

Để thực hiện thành công ba lựa chọn này, khu vực cần rất nhiều đầu vào như công nghệ, vốn, hợp tác với nước ngoài… Tuy nhiên, có một đầu vào quan trọng nhất đó chính là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực 4.0 cần được quan tâm và phát triển trước nhất. Do độ trễ của nhân lực từ 2-4 năm trước khi có đầy đủ các yêu cầu để làm việc, ĐBSCL cần tập trung thực hiện ngay các chương trình hành động để đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhân lực 4.0 cho triển khai trong những năm tới. Sự cấp thiết của vấn đề này có thể thấy qua thiếu hụt nhân lực các cấp độ từ nhân viên, quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực ngành nghề mấy năm qua tại khu vực.

Để thực thi tốt chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0, khu vực cần có một đánh giá nghiên cứu nghiêm túc về cung cầu lao động 4.0 với khu vực và toàn bộ miền Nam. Từ đó chiến lược phát triển nguồn nhân lực 4.0 (gọi tắt CLNL 4.0) sẽ được đưa ra và giúp triển khai các hoạt động tại các tỉnh trong khung thời gian 3-5 năm. Đầu tiên CLNL 4.0 cần xác định phải đáp ứng hai nhiệm vụ quan trọng thứ nhất giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hiện tại chuyển đổi thành công áp dụng những công nghệ 4.0 và thứ hai cung cấp nguồn nhân lực phát triển những ngành mũi nhọn của ĐBSCL.

Cụ thể, CLNL 4.0 có những mục tiêu như sau: Thứ nhất, xác định nhu cầu nhân lực cho ngành nghề mà khu vực cần chuyển đổi sang 4.0 như nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, du lịch, công nghệ thông tin... Thứ hai, nhu cầu chuyển đổi nguồn nhân lực hiện có trong các doanh nghiệp hướng tới kiến thức kỹ năng thái độ 4.0 tại tất cả các cấp độ từ nhân viên tới lãnh đạo. Thứ ba, nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực 4.0 không chỉ cho khu vực mà còn toàn bộ phía Nam và trên cả nước. Thứ tư, đánh giá năng lực phát triển đào tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực. Thứ năm, xây dựng kết nối đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa khu vực, Việt Nam và trên toàn thế giới. Thứ 6, xây dựng những hạt nhân cốt lõi tầm cỡ khu vực để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực 4.0 như viện nghiên cứu cho cả khu vực.

Khi triển khai CLNL 4.0 chúng ta cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Xác định nội dung đào tạo và chuyển đổi toàn bộ nhân lực truyền thống hiện có sang nhân lực 4.0 tại mọi cấp độ và mọi ngành nghề tại khu vực; Chuyển đổi bổ xung các chương trình đào tạo cho lực lượng lao động đang trong thời gian đào tạo; Thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong 4.0 về khu vực ngay từ ngày hôm nay; Chương trình phát hiện và bồi dưỡng những nhân lực chuyên gia 4.0 của khu vực dài hạn.

Từ đó, nhóm 8 giải pháp sau theo chủ quan đóng vai trò quan trọng để phát triển nhân lực 4.0 trong thời gian tới cũng như một số gợi ý triển khai tiết kiệm hiệu quả trên diện rộng.

Thứ nhất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục các cấp: Bản chất của nền kinh tế thế kỷ 21 đó chính là các cá nhân/ tổ chức có tâm thế khởi nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo áp dụng những công nghệ 4.0 nhằm gia tăng giá trị hiện có hay kiến tạo những giá trị đột phá. Chúng ta cần thực hiện các chương trình đưa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào các trường cấp 3, đại học và đoàn thanh niên tại ĐBSCL.

Thứ hai, đào tạo và thay đổi nhận thức lãnh đạo 4.0: Cuộc cách mạng 4.0 chỉ có thể thành công nếu như lãnh đạo các cấp trong doanh nghiệp cũng như trong các sở ban ngành tại các tỉnh hiểu và quyết liệt triển khai. Do vậy các chương trình đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức lãnh đạo 4.0 cần triển khai rộng khắp và đồng bộ. Quan trọng hơn nữa, các chương trình này cần kết hợp thăm quan các doanh nghiệp, quốc gia khác đã áp dụng thành công công nghệ 4.0.

Thứ ba, công tác hướng nghiệp 4.0 tại giáo dục cơ sở: Nhân lực có độ trễ thời gian. Những em học sinh cấp 3 của năm 2018 cần được định hướng đúng cho nghề nghiệp 4.0 năm 2022. Vì vậy, để đảm bảo phát triển nhân lực 4.0 bền vững, các tỉnh cần tập trung nguồn lực cho công tác hướng nghiệp 4.0 tại cấp ba cụ thể các hoạt động tài liệu, giáo viên được đào tạo chuyên môn, các hoạt động chương trình như đổi mới sáng tạo , STEM. Để thực hiện thành công công tác này cần sự chung tay của bốn chủ thể : Sở Giáo Dục Đào Tạo, Sở Khoa Học Công Nghệ và các trường đại học/ viện nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp công nghệ 4.0 trong khu vực và phía Nam. Bên cạnh đó cũng có một vai trò quan trọng của Sở Thông Tin và Truyền Thông trong việc tạo ra nhận thức và định hướng toàn xã hội

Thứ tư, chương trình đào tạo nguồn nhân lực 4.0/ nhân lực số: Cuộc cách mạng 4.0 đã thay đổi sâu sắc cách thức vận hành doanh nghiệp. Kết quả của cuộc cách mạng 4.0 đối với doanh nghiệp chính là chuyển đổi số - số hóa doanh nghiệp. Nhân lực – những người kiến tạo giá trị cho khách hàng trong doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ 4.0 chính là thành phần quan trọng để thực hiện việc chuyển đổi số hóa thành công. Các chương trình đào tạo quản lý 4.0 , nhân lực 4.0 sẽ cần phải được thực hiện đồng bộ các chủ đề như kỹ năng số, thái độ số , tri thức số vận hành doanh nghiệp.

Thứ năm, thành lập các viện / trung tâm nghiên cứu khu vực: Manh mún và nhỏ lẻ là một trong những hạn chế thường có của Việt Nam. ĐBSCL cần có những viện/ trung tâm nghiên cứu tiếp cận khu vực. Các viện / trung tâm nghiên cứu này cần có sự chung ta của ba nhà bao gồm doanh nghiệp/ đại học và nhà nước. Các Viện / Trung tâm này sẽ là nơi thu hút nguồn nhân lực 4.0 cao cấp trong nước lẫn nước ngoài

Thứ sáu, cộng hưởng với các đại học và cơ sở giáo dục trên cả nước: Bên cạnh xây dựng và sử dụng các cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu tại khu vực, ĐBSCL nên xác định những chương trình quan trọng cấp thiết đặt hàng cho các trường đại học viện nghiên cứu tại phía Nam và trên cả nước. Ví dụ đối với nông nghiệp công nghệ cao, các chương trình và hoạt động có thể được đặt hàng nhanh chóng với các vườn ươm công nghệ cao hoặc đại học Nông Lâm, đại học Quốc Gia TP HCM.

Thứ bảy, xây dựng cơ sở hạ tầng: Song hành với công tác thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ĐBSCL cũng cần xây dựng các cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện nguồn nhân lực triển khai các hoạt động trên thực tế. Các cơ sở hạ tầng này đóng vai trò quan trọng trong giáo dục cũng như nghiên cứu triển khai. Ví dụ ĐBSCL muốn phát triển trí thông minh nhân tạo AI thì dứt khoát phải có trung tâm sở hữu siêu máy tính để nghiên cứu và ứng dụng cũng như cung cấp các giải pháp cho khu vực. Xây dựng cơ sở hạ tầng chính là cam kết cao nhất để về đào tạo, phát triển cũng như thu hút nguồn nhân lực.

Thứ tám, phát triển năng lực tự đào tạo: Đối với các hoạt động phát triển nguồn nhân lực dài hạn, ĐBSCL nên tự có nguồn giảng viên, chuyên gia có khả năng giúp phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Chương trình này cần là điều kiện khi thu hút các nhân lực chuyên gia 4.0 về công tác tại địa phương. Tự đào tạo sẽ giúp tiết giảm chi phí và nhân rộng quy mô triển khai tại các tỉnh.

Để thực hiện thành công triển khai cuộc cách mạng 4.0 tại ĐBSCL chúng ta cần nhiều nguồn lực như công nghệ, vốn, nhân lực, cơ sở hạ tầng . Trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong thu hút, triển khai thành công các dự án công nghệ 4.0 cũng như các chương trình tại địa phương. Nguồn nhân lực chính là nguồn vốn tự thân quan trọng cho ĐBSCL. Nguồn nhân lực càng tốt càng nhiều càng dễ dàng giúp cho ĐBSCL trong chuyển đổi 4.0.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực 4.0 cho chính mình, khu vực cũng hướng tới sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực 4.0 cho các tỉnh phía Nam cũng như trên cả nước. Để thực hiện điều này chúng ta cần tâm thế lãnh đạo 4.0, các tiếp cận khu vực trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Quan trọng nhất chính là mối liên kết 5 bên bao gồm doanh nghiệp - đại học - viên nghiên cứu - nhà nước và bản thân nguồn nhân lực. Cuối cùng chiến lược nhân lực 4.0 của ĐBSCL luôn luôn tập trung vào ba mục tiêu chính yếu cho ĐBSCL, cho khu vực phía Nam, cho quốc gia.

Ths Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Chuyển đổi số Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp