Khả năng ngoại ngữ vẫn là hạn chế của nhân lực Công nghệ
Khả năng ngoại ngữ vẫn là hạn chế của nhân lực Công nghệ - đó là một trong những nội dung Báo cáo Nhân lực Công nghệ trước làn sóng công nghệ mới mà Navigos Group vừa công bố.
Navigos Group là tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search
Khảo sát được thực hiện từ tháng 7/2018 dựa trên ý kiến của 1.100 ứng viên hiện đang làm việc trong ngành nghề Công nghê thông tin/Công nghê cao (gọi chung là lĩnh vực Công nghệ), thuộc cơ sở dữ liệu của VietnamWorks.
¼ doanh nghiệp nơi ứng viên tham gia khảo sát đang làm việc cho biết có kế hoạch ứng dụng AI hoặc blockchain trong 3 năm tới
Theo kết quả khảo sát các ứng viên Công nghệ, top 3 những công nghệ mới đang được doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất lần lượt là: Điện toán đám mây; Dữ liệu lớn; Áp dụng chuyển đổi sang tự động hóa. Một số công nghệ mới nổi như AI hay Blockchain cũng được một bộ phận doanh nghiệp ứng dụng, tuy chưa nhiều. Có 9% ứng viên cho biết công ty họ đã ứng dụng blockchain, và 19% ứng viên cho biết công ty họ đã ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.
Về kế hoạch ứng dụng AI hoặc Blockchain, đến 66% người tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp họ có quan tâm đến những công nghệ này; ¼ cho biết doanh nghiệp họ đang có kế hoạch ứng dụng AI hoặc blockchain trong 3 năm trở lại đây.
Ứng dụng AI vào Dữ liệu lớn và Ứng dụng blockchain trong Ngân hàng/Tài chính được đánh giá nhiều nhất về tiềm năng phát triển
Có 86% ứng viên Công nghệ thể hiện quan điểm của họ về tiềm năng phát triển về những lợi ích mà Trí tuệ nhân tạo hay công nghệ Chuỗi khối đem lại.
Top 3 các quan điểm về “lợi ích của AI sẽ thể hiện rõ nhất sự tác động tại Việt Nam trong tương lai 5 – 10 năm tới” lần lượt là: Ứng dụng AI vào kho dữ liệu lớn (Big data) nhằm phân tích số liệu và đưa ra giải pháp tốt hơn cho con người (39%); AI tạo ra các cỗ máy thông minh giúp nền công nghiệp chuyển sang mô hình tự động hóa hoàn toàn (24%); AI tạo ra những robot thông minh, giúp con người giảm thiếu các công việc nguy hiểm trong tương lai.
Đối với Blockchain, top những lợi ích được ứng viên Công nghệ Việt cho rằng sẽ được thể hiện rõ nhất sự tác động trong 5-10 năm tới là: Ngành Ngân hàng/tài chính ứng dụng blockchain trong việc thực hiện giao dịch chuyển tiền ở bất cứ đâu, an toàn, bảo mật, nhanh chóng (22%); Blockchain tạo ra ứng dụng để kiểm chứng chất lượng và tính xác thực của hàng hóa; quy trình hợp đồng / thanh toán (18%); Ứng dụng blockchain vào vận hành doanh nghiệp quy mô lớn hoặc hệ sinh thái công nghệ (ecosystem), vào quy trình làm việc với các bên nhằm tăng độ xác thực và tin cậy (13%).
Khả năng ngoại ngữ chưa thành thạo vẫn còn là hạn chế của nhân lực Công nghệ
Theo khảo sát, top 5 những công nghệ được các ứng viên quan tâm và có dự định học hỏi trong thời gian tới là: Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ chuỗi khối; Khoa học dữ liệu; Máy học, học sâu; An ninh mạng.
Tuy nhiên, việc cập nhật cũng như học hỏi những kiến thức hay kỹ năng mới này còn gặp phải những rào cản nhất định, theo đó, các ứng viên tham gia khảo sát cho biết top 3 những rào cản lớn nhất là: Không có cơ hội thực hành thực tế sau khi học; Không có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp; Phải học từ những trang thông tin nước ngoài tuy nhiên khả năng tiếng Anh của ứng viên chưa đủ tốt.
Theo kết quả khảo sát, thách thức lớn của nhân lực công nghệ vẫn là việc chưa thành thạo đồng đều các kỹ năng ngoại ngữ. Có đến 84% người tham gia khảo sát có bằng cấp Cử nhân/Thạc sỹ/ Tiến sỹ, cũng gần ½ đang giữ vị trí cấp Quản lý. Tuy nhiên, chỉ có 27% ứng viên cho biết họ thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; 41% còn lại chỉ có thể đọc viết và 27% cho biết họ chỉ có thể Giao tiếp.
Nhân sự công nghệ có xu hướng muốn trở thành Chuyên gia hơn làm Quản lý
Top 3 các tố chất của “Chân dung một người thuộc lĩnh vực công nghệ trong thời đại 4.0” được ứng viên tham gia khảo sát đánh giá cần thiết nhất là: Đồng thời phải biết vận dụng “điểm mạnh” và “khắc phục” điểm yếu của công nghệ; Khả năng học hỏi và thích nghi nhanh chóng với sư thay đổi của công nghệ; Luôn cập nhật kiến thức công nghệ mới và biết vận dụng vào công việc.
Tuy nhiên, các kiến thức và kỹ năng chuyên môn được nhân lực Công nghệ quan tâm hơn nhiều so với các kỹ năng mềm hay kỹ năng lãnh đạo. Điều này cũng dễ hiểu vì cũng theo kết quả khảo sát, nhóm ứng viên thể hiện rõ xu hướng thích trở thành Chuyên gia cao hơn nhóm ứng viên mong muốn trở thành cấp Quản lý.
82% ứng viên tham gia khảo sát có ý định khởi nghiệp và ½ sẽ cân nhắc dịch chuyển nếu có cơ hội
Có đến 82% nhân lực IT tham gia khảo sát có ý định khởi nghiệp trong tương lai, trong đó 41% ứng viên cho biết đã từng khởi nghiệp ít nhất 1 lần, 58% cho biết họ chưa bao giờ từng khởi nghiệp. Top 3 những lĩnh vực được họ lựa chọn khởi nghiệp nhiều nhất là: Phát triển trí tuệ nhân tạo; Sản phẩm liên quan đến tự động hóa; và Phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ chuỗi khối.
Bên cạnh đó, có ½ ứng viên tham gia khảo sát cho biết nếu có đề nghị làm việc tại nước ngoài tại các công ty khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các công nghệ mới như AI hay blockchain thì họ sẽ quyết định dịch chuyển. Trong số đó, 25% cho biết sẽ sang nước ngoài làm việc vài năm và trở về Việt Nam, có 22% sẽ cân nhắc giữa việc đi và ở.
Ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group cho biết: “Doanh nghiệp nước ngoài được đánh giá là ứng dụng rất nhạy bén những công nghệ mới, chính vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc hơn trong cuộc chạy đua công nghệ. Bên cạnh đó, cần mở ra nhiều hơn các sân chơi dành cho cộng đồng công nghệ để trao đổi, học hỏi, thực hành những công nghệ mới. Trước nguy cơ chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp cần chú trọng và chính sách giữ chân nhân tài, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm tiên phong sáng tạo, mở ra cơ hội được tiếp xúc công nghệ mới cho đội ngũ nhân viên”