Sinh viên ngành CNTT thiếu kỹ năng nghề nghiệp
Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Quân – Chiến lược gia Công nghệ Tập đoàn Microsoft Việt Nam tại “Ngày hội tuyển dụng Aptech job fair 2019: “Infinity technologies” tổ chức sáng ngày 20/4.
Sinh viên thiếu định hướng người "có nghề"
Chỉ ra những thiếu sót trong kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên, đặc biệt là sinh viên trong ngành CNTT, ông Trần Anh Quân – Chiến lược gia Công nghệ Tập đoàn Microsoft Việt Nam cho biết: “Các bạn sinh viên, bạn trẻ hiện nay đang thiếu định hướng trang bị từ những người có kinh nghiệm trong nghề”.
Cụ thể, sinh viên chưa có định hướng về những công nghệ mà doanh nghiệp cần, thiếu cơ hội được thực tập thực tế, không được chia sẻ và đào tạo các kỹ năng ứng dụng trong tìm việc và làm việc. Từ đó, sinh viên ra trường thiếu kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm để làm được việc tại doanh nghiệp
Đồng tình với quan điểm này, ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech chỉ ra, bên cạnh việc thiếu nhân lực thì đó là còn là việc thiếu cả các chuyên gia đào tạo, chuyên sâu về công nghệ thế hệ mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…
“Để Việt Nam có thể tiến xa hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc phổ cập, làm nhận thức và truyền cảm hứng về công nghệ 4.0, được xem như là chìa khóa dẫn đến thành công”, ông Trần Anh Quân nhấn mạnh.
Biến tiềm năng thành cơ hội
Tham gia chương trình “Ngày hội tuyển dụng Aptech job fair 2019: “Infinity technologies” có sự tham gia của các bạn sinh viên đến từ 5 trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Vì vậy, liên quan đến cơ hội việc làm trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0 là xu hướng tất yếu, câu hỏi được phần lớn các bạn sinh viên quan tâm đó là, robot sẽ thay thế hoàn toàn người lao động? Trước câu hỏi này, ông Trần Trung Hiếu – Tổng Giám đốc TopCv Việt Nam cho biết, cơ hội việc làm cho sinh viên IT trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 rất rộng mở.
Cụ thể, những kỹ năng của sinh viên sẽ không bị robot thay thế trong tương lai đó là: kỹ năng học và hiểu về truyền thông (kỹ năng phân tích), cập nhật về công nghệ, kỹ năng làm việc tốt, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khoa học, logic, tư duy phản biện, chuyên môn sâu về mỗi công việc…
Nhìn rộng ra “bức tranh” cơ hội nghề nghiệp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Chu Tuấn Anh cho biết: “Thị trường các dịch vụ IT toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trị giá trên 1,160 tỷ USD trong năm 2020. Bên cạnh đó, chi tiêu giành cho IT trên toàn thế giới dự kiến cũng sẽ đạt mức 2,7 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Như vậy, các con số này cho thấy tiềm năng vô hạn của ngành CNTT, khi sinh viên, các bạn trẻ chọn ngành này làm sự nghiệp của mình”.
Theo đó, ngành CNTT đang trải qua một cuộc cách mạng với những mảng như trí tuệ thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), khoa học dữ liệu (Data Science), và kiểm tra phần mềm (Software Testing) – đang lớn mạnh rất nhanh chóng.
“Đây chính là những nghề nghiệp của tương lai, và sẽ tiếp tục dẫn đầu nhu cầu nhân lực. Cùng với đó, thế giới ngày càng cạnh tranh và phát triển nhanh chóng, chúng ta cần nắm bắt được xu thế với những kiến thức được cập nhật”, ông Chu Tuấn Anh nhấn mạnh.