Lao động nữ bao giờ bình đẳng với nam giới?
Tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân của lao động nữ tại Việt Nam thường thấp hơn so với lao động nam.
Theo đánh giá của Phòng TM & CN Việt Nam (VCCI), bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn trong sự phát triển của Việt Nam, ngay cả khi phụ nữ đóng góp thiết yếu cho xã hội và nền kinh tế. Phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp trong thị trường lao động và không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới. Họ cũng bị hạn chế về quyền ra quyết định, khoảng cách thu nhập theo giới tính vẫn chưa giảm.
Bình đẳng giới phải chăng là khẩu hiệu?
Qua tìm hiểu của DĐDN thì, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa mặn mà với việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc. Lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực, ngành nghề có chất lượng tay nghề, trình độ chuyên môn thấp nên tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân của họ thường thấp hơn so với lao động nam.
Một dẫn chứng rõ nhất ở lĩnh vực dệt may, số lao động nữ là chủ yếu, cụ thể như, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), chiếm tới 80 %, lượng lao động nữ đông đảo của TNG cũng là những người trực tiếp làm ra sản phẩm, chính vì vậy, người đứng đầu TNG xác định, chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị, với cam kết một chính sách thu nhập bình đẳng về điều kiện làm việc và mức độ đóng góp, có các cơ hội đào tạo và thăng tiến như nhau.
Mặc dù lao động nữ đã được TNG coi trọng, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức với nữ giới trong ngành may mặc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối thủ có nguy cơ thay thế vị trí làm việc của lao động nữ là robot. Nguy cơ này đang dần hiện hữu và sự tác động này rõ rệt trong vòng 10 năm tới. Như vậy khi việc làm của nữ giới bị đe doạ, tất yếu dẫn tới nguy cơ tăng khoảng cách bình đẳng giới.
Ngoài ra, một thách thức nữa theo ông Thời, đó là các định kiến xã hội và khuôn mẫu giới. Dù hiện nay quan niệm này đã không còn nặng nề những vẫn đang là một hệ luỵ tư tưởng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới mà còn hạn chế sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, các khuôn mẫu giới vẫn được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Thực tế, thách thức bình đẳng giới trong ngành may mặc không nằm ở chỗ “đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động là nữ giới” mà là “đảm bảo được thu nhập đủ sống, thay vì đảm bảo mức thu nhập tối thiểu”.
“Đây là nguyện vọng chính đáng của người lao động, là mong muốn của doanh nghiệp nhằm phát triển bền vững. Nhưng chính điều này mang lại thách thức cho ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh toàn cầu”, ông Thời bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm
Bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn đang bất cập
00:00, 14/05/2014
Nâng cao năng suất lao động nhờ thúc đẩy bình đẳng giới
00:10, 07/04/2019
Thúc đẩy bình đẳng giới trong sản xuất - kinh doanh
16:33, 06/04/2019
Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi
09:10, 05/04/2019
Cần trao quyền cho nữ giới
Nhận định về vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đảm bảo các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, các chủ doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ dừng ở việc cam kết mà phải hướng tới hành động cụ thể, bắt đầu từ hoàn thiện chính sách nhân sự hỗ trợ việc xóa bỏ các rào cản về giới, đạt được chứng chỉ về lợi ích kinh tế của bình đẳng giới, tiên phong thay đổi văn hóa doanh nghiệp.
Cần xây dựng giá trị bình đẳng tại nơi làm việc như bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến, điều kiện làm việc linh hoạt, tiền lương… là thực sự cần thiết cho phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thể thao cao cấp, với gần 7 ngàn lao động, trong đó lao động nữ cũng chiếm tới 80 - 85% và là nguồn nhân lực chính của Maxport Limited Việt Nam (Maxport), ông Nicholas Stokes, Tổng giám đốc Công ty Maxport cho hay, nữ giới chính là lực lượng đông đảo nhất trong công ty, trực tiếp làm ra sản phẩm.
Do đó, Maxport luôn xác định chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị, giúp người lao động gắn bó lâu dài với công ty. Cụ thể, Maxport thực hiện quy chế lương thưởng thống nhất, dựa trên đánh giá năng lực của từng nhóm chức danh công việc, không có sự khác biệt về thang lương, bảng lương giữa nam giới và nữ giới. Cán bộ công nhân viên nam và nữ đều được chi trả như nhau cho những công việc có cùng giá trị, cùng mức độ đánh giá về chất lượng công việc của họ.
Ông Nicholas Stokes chia sẻ thêm, tại Maxport mọi người đều tham gia, chung tay thực hiện hướng tới một mục tiêu chung chính là văn hoá của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Vấn đề không phải chỉ có mức lương cao hơn, nhiều ngày nghỉ hơn mà người lao động nữ cần được trao quyền, cần có quyền lực trong tay để làm những gì họ mong muốn.
“Nhân viên không phải là cỗ máy, không phải họ chỉ tới nhận lệnh của lãnh đạo để thực hiện nhiệm vụ trong dây chuyền nhà máy. Chúng ta cần hiểu, họ tới làm cho chúng ta vì một khát vọng để hiện thực hoá giấc mơ, khao khát được cống hiến, là người có ích”, ông Nicholas Stokes khẳng định.
Nhìn nhận việc bình đẳng giới, ông Nguyễn Khải Hoàn, giám đốc tài chính Công ty FPT Software chia sẻ, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về những giá trị mà bình đẳng giới mang lại đối với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tư duy của nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt, là nền tảng để xây dựng được một chính sách nhân sự tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.
Thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tập trung vào đầu tư máy móc và công nghệ, tuy nhiên yếu tố cốt lõi là yếu tố con người - các lao động nữ. Đầu tư cho con người chính là tiêu chí, định hướng mà mỗi doanh nghiệp cần chú trọng trong chiến lược phát triển bền vững của mình, đặc biệt trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 hiện nay.