Nhân hiệu tạo thương hiệu: Góc nhìn từ các ứng viên cấp cao
“Nhân hiệu” sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của kỷ nguyên số hóa và thế giới phẳng và điều đó đồng thời sẽ tạo bệ đỡ vững chắc cho thương hiệu.
Navigos Group vừa công bố Báo cáo: “Thương hiệu cá nhân tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp: Góc nhìn từ các ứng viên cấp cao”. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát các ứng viên cấp cao, cụ thể là từ cấp quản lý trở lên trong dữ liệu của PRIMUS, một sản phẩm của tập đoàn Navigos Group.
Các giá trị tích cực và những e ngại
86% ứng viên là các nhà quản lý cấp trung, cấp cao tham gia khảo sát cho biết, theo quan sát của họ, thương hiệu cá nhân và quản lý uy tín cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng so với cách đây 5 năm.
Khi được hỏi mức độ hiểu biết về định nghĩa “thương hiệu cá nhân”, có đến 92% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ hiểu rõ ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, 50% cho rằng, thương hiệu cá nhân hầu như chỉ dành để phục vụ cho những nhân vật trong giải trí hoặc hoạt động xã hội. Chỉ 47% người tham gia khảo sát cho biết định nghĩa “thương hiệu cá nhân” chỉ những nhân vật có hoạt động chuyên môn hoặc phục vụ truyền thông cho tổ chức.
Các ứng viên cho rằng “thương hiệu cá nhân” giúp xây dựng sự tín nhiệm nhất định và khẳng định giá trị của mình trên thị trường, từ đó sẽ mang đến niềm tin cho các đối tác và đem lại các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Theo khảo sát, các tác động tích cực nhất mà một thương hiệu cá nhân đem lại cho các hoạt động trong tổ chức bao gồm: Công chúng/Khách hàng biết đến công ty và các sản phẩm/dịch vụ của công ty (27%), Tăng sự gắn kết với nhân viên trong tổ chức (26%), Giới thiệu thương hiệu nhà tuyển dụng thông qua thương hiệu cá nhân (21%).
Thách thức trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân
Các ứng viên cấp cao đã chọn ra top các lý do quan trọng nhất đối với họ trong việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu cá nhân, bao gồm: Xây dựng được mạng lưới mối quan hệ nhằm thúc đẩy kết nối, hợp tác và trao đổi; Tạo sự khác biệt cho bản thân; Tạo ra một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn; Tạo ra của cải (trực tiếp và gián tiếp).
Theo các ứng viên cấp cao, top 3 các yếu tố cần lưu ý khi xây dựng thương hiệu cá nhân lần lượt là: Việc xác định rõ mục tiêu (19%) ; Tận dụng mạng lưới các mối quan hệ (18%); Sự ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân tới cộng đồng (12%)
Khi được hỏi về các trở ngại khi xây dựng thương hiệu cá nhân, các nguyên nhân đều thể hiện và liên quan đến sự thiếu định hướng. Theo đó, các nguyên nhân gây trở ngại lần lượt là: Không biết phương pháp xây dựng thương hiệu cá nhân (22%), Chưa đủ cam kết để theo đuổi việc xây dựng thương hiệu cá nhân lâu dài (22%), Không nhận đủ sự hỗ trợ từ tổ chức để xây dựng thương hiệu cá nhân (18%), Nỗi sợ về tác động không mong muốn của thương hiệu các nhân đến cuộc sống (18%).
Khi được hỏi quan điểm về những tiêu cực trong xây dựng thương hiệu cá nhân, top 3 các yếu tố được bình chọn nhiều nhất đều liên quan đến các hành vi lạm dụng quá mức dẫn đến tiêu cực. Các quan điểm lần lượt là: Sự giả tạo hoặc thiếu tính xác thực (chiếm 19%); Cá nhân dành quá nhiều thời gian để xây dựng hình ảnh thay vì tập trung vào những điều có ý nghĩa hơn cho tổ chức hoặc cộng đồng (chiếm 19%); Xuất hiện các hành vi thiếu đạo đức, phóng đại để quảng bá bản thân (18%).
Triển vọng nghề nghiệp
Có đến 87% các ứng viên cấp cao sẽ tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân trong vòng 5 năm tới, trong đó 58% sẽ đầu tư mạnh mẽ, 29% sẽ đầu tư hơn hiện tại và 10% giữ nguyên mức đầu tư như hiện tại. Chỉ có 1% ứng viên cho biết họ sẽ đầu tư ít đi và 1% sẽ không đầu tư vào việc này.
Có thể bạn quan tâm
Thương hiệu cá nhân: Chìa khóa mở cửa thành công
04:23, 20/05/2019
Vì sao doanh nhân nên đầu tư vào thương hiệu cá nhân?
04:22, 14/08/2018
3 bước tái xây dựng thương hiệu cá nhân từ chuyên gia tiếp thị toàn cầu
07:29, 01/08/2018
Vì sao doanh nhân nên đầu tư vào thương hiệu cá nhân?
04:06, 28/07/2018
Đánh giá về sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân tác động đến sự nghiệp, hơn một nửa ứng viên cấp cao (54%) cho biết hiện tại thương hiệu cá nhân của họ đang rất tốt và điều đó giúp họ đạt được thành công trong công việc. Bên cạnh đó, 28% ý kiến cho biết thương hiệu cá nhân của họ chưa đủ mạnh và hấp dẫn để giúp họ thành công hơn. 10% nói rằng họ không có thương hiệu cá nhân và điều đó là bình thường vì thương hiệu cá nhân không tác động đến sự phát triển nghề nghiệp của họ.
Về sự tác động của thương hiệu cá nhân đối với tổ chức, 77% ứng viên cấp cao cho biết thương hiệu cá nhân của họ đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức trong việc được công chúng biết tới một cách tích cực.
“Thương hiệu cá nhân” sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của kỷ nguyên số hóa và thế giới phẳng. Thứ nhất, công nghệ tiên tiến kết nối không giới hạn (khiến cho người dùng có thể xây dựng thương hiệu cá nhân về chiều sâu lẫn chiều rộng một cách dễ dàng hơn). Thứ hai, toàn cầu hóa đang gia tăng (không còn rào cản giữa ngôn ngữ, quan điểm văn hóa, giá trị xã hội,…mang đến cơ hội tự do tăng nhân diện thương hiệu cá nhân). Thứ ba, thế hệ lao động trẻ đang tạo ra một văn hóa cởi mở và có tính kết nối trên cộng đồng số, kèm theo đó là sự trỗi dậy của một thế hệ làm việc tự do (freelancer) vốn sẽ được hỗ trợ nhiều bởi thương hiệu cá nhân (internet, công nghệ đã mở ra các cơ hội việc làm ở bất cứ nơi đâu cho những người làm nghề tự do, sự linh hoạt về thời gian và không gian khiến xu hướng làm việc freelancer ngày một gia tăng).
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group Việt Nam chia sẻ: “Công nghệ hóa và “thế giới phẳng” đã đem lại nhiều thuận lợi cho “thương hiệu cá nhân” trỗi dậy trên toàn cầu, và được ghi nhận là công cụ để góp phần đẩy mạnh thương hiệu của chính doanh nghiệp. Đặc biệt, thương hiệu của những chuyên gia đầu ngành hoặc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tác động rõ rệt trong chiến lược thu hút nhân tài trên thị trường tuyển dụng. Tôi tin rằng dưới những tác động tích cực này, doanh nghiệp cần đầu tư hỗ trợ xây dựng thương hiệu cá nhân, đặc biệt cho các vị trí cấp cao như CEO (Tổng Giám đốc), các vị trí Phó Tổng Giám đốc (C-level) và các vị trí cấp quản lý khác. Họ cần được trang bị những kiến thức và phương pháp để xây dựng thương hiệu cá nhân, qua đó giúp đem đến giá trị cho tổ chức. Báo cáo “Thương hiệu cá nhân tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp: Góc nhìn từ các ứng viên cấp cao” giúp doanh nghiệp và ứng viên cấp cao hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như những thách thức trong việc xây dựng một thương hiệu cá nhân phù hợp, đồng thời đề xuất những phương án hiệu quả cho cả hai phía:
Đối với doanh nghiệp: Tạo điều kiện để các cá nhân có thương hiệu phù hợp có cơ hội đóng góp vào giá trị thương hiệu cho tổ chức. Cung cấp các khóa đào tạo (nội bộ hoặc thuê ngoài) cho các cán bộ quản lý cấp cao, đặc biệt là CEO, giúp họ hiểu đúng về vai trò của Thương hiệu cá nhân và biết cách xây dựng, bảo vệ thương hiệu cá nhân và sự tác động qua lại giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu của công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả kênh mạng xã hội trong việc xây dựng thương hiệu của Nhà tuyển dụng thông qua thương hiệu cá nhân.
Đối với ứng viên cấp cao: Chủ động tham gia các khóa học được cung cấp bởi tổ chức hoặc tham gia khóa học bên ngoài về xây dựng thương hiệu cá nhân. Thấu hiểu và lựa chọn mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu cá nhân phải gắn liền với tổ chức hoặc tách rời tổ chức. Dù lựa chọn mục tiêu nào, ứng viên cấp cao cũng cần có trách nhiệm với chính thương hiệu của mình và thương hiệu của tổ chức. Lựa chọn kênh phù hợp nhất để xây dựng thương hiệu cá nhân để hỗ trợ ngược lại cho thương hiệu của tổ chức.”