Lao động ngành du lịch khó tiếp cận gói hỗ trợ

TUẤN VỸ 23/05/2020 11:14

Hiệp hội du lịch Quảng Nam vừa có công văn kiến nghị về các khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ của người lao động thuộc ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID - 19.

p/Các hoạt động du lịch tại Quảng Nam đã ngưng hoạt động từ trước ngày 1/4, như vậy rất khó để người lao động ngành du lịch tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.

Các hoạt động du lịch tại Quảng Nam đã ngưng hoạt động từ trước ngày 1/4, như vậy rất khó để người lao động ngành du lịch tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ.

Theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19 cũng như Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, điều kiện để người lao động được hỗ trợ là khi thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1/4/2020 rất khó để người lao động ngành du lịch tiếp cận gói hỗ trợ.

Quyết định chưa phù hợp điều kiện thực tế

Trước đó, theo các Chỉ thị số 05-10-15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tinh Quảng Nam về các vấn đề ngưng các chuyến bay từ các vùng dịch đến Việt Nam, tạm thời cách ly tập trung 14 ngày đối với người Việt Nam và du khách đến hoặc đi qua vùng dịch, tạm ngưng các hoạt động vui chơi giải trí… thì lượng khách du lịch đến với tỉnh Quảng Nam giảm mạnh. Người lao động ngành du lịch ở tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ không lương từ tháng 2/2020 và đối tượng này tăng mạnh từ tháng tiếp theo do Chính phủ quyết định tạm dừng các hoạt động về du lịch trong điều kiện khủng hoảng do Covid-19.

Việc áp dụng điểm mốc căn cứ hỗ trợ khi tạm hoãn HĐLD, chấm dứt HĐLĐ, nghỉ không lương từ ngày 1/4/2020 không phù hợp với điều kiện thực tế.

Như vậy, việc áp dụng điểm mốc căn cứ hỗ trợ khi tạm hoãn HĐLD, chấm dứt HĐLĐ, nghỉ không lương từ ngày 1/4/2020 không phù hợp với điều kiện thực tế.

Anh Nguyễn Văn Long – nhân viên một nhà hàng tại Hội An cho biết, nhà hàng nơi anh làm việc đóng cửa từ cuối tháng 2/2020 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà hàng quyết định cắt giảm toàn bộ nhân viên cũng như mức lương hàng tháng. Không có trợ cấp thôi việc từ nhà hàng nhưng các điều khoản từ gói hỗ trợ người thất nghiệp của Chính phủ anh lại không đáp ứng đủ...

Nhiều chồng chéo, mâu thuẫn

Trong Công văn của Hiệp hội du lịch Quảng Nam cũng đề cập đến mâu thuẫn của Điều 1 với Điều 13 trong việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương.

Cụ thể, theo Điều 13, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc mới đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Tuy nhiên, một trong ba điều kiện để người lao động được hỗ trợ quy định trong Điều 1 là làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31 tháng 3 năm 2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Văn bản của Hiệp hội du lịch Quảng Nam nêu rõ, điều này có nghĩa là doanh thu của doanh nghiệp phải bằng 0 đồng, nhưng thực tế điều này không xảy ra trước tháng 4. Hơn nữa, kể từ tháng 2/2020, các điểm đến du lịch Quảng Nam đã không còn nhiều cơ hội đón khách. Các doanh nghiệp du lịch đã tạm hoãn, cắt giảm lao động và giảm số ngày làm việc cho người lao động, nên không đủ ngày công lao động để tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện vay như Điều 13 của Quyết định 15.

“Từ những điểm đề cập trên trên, Chính quyền cần xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 1 này cho hợp lý bởi đây là chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch. Bản thân người lao động đã bị mất thu nhập, bị tạm hoãn HĐLD trong thời gian ảnh hưởng của dịch, người lao động không thể đối ứng điều kiện mất việc do doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương như Nghị Quyết 42 và Quyết định 15 đề ra”, theo công văn của Hiệp hội du lịch Quảng Nam.

TUẤN VỸ