Ảnh hưởng dịch COVID-19, hàng loạt công ty cắt giảm sâu nhân sự
Trong khảo sát mới nhất của Adecco, gần một nửa số doanh nghiệp cho biết đã cắt giảm đến 40% nhân viên. Trong đó, truyền thông và F&B ghi nhận mức sa thải, giảm lương mạnh nhất.
Khảo sát của Adecco cho thấy, trong quý 2 năm 2020 nhu cầu tuyển dụng giảm 20% so với quý trước, đặc biệt là từ các doanh nghiệp FDI và các công ty trong nước. Doanh nghiệp vẫn rất thận trọng vì đất nước đang trong giai đoạn mở cửa trở lại và các châu lục khác chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn. Hầu hết yêu cầu tuyển dụng hiện nay đều đến từ các công ty nước ngoài chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam.
Theo khảo sát nội bộ của Adecco Việt Nam với 330 chuyên gia nhân sự vào tháng 5, 93% người được khảo sát báo cáo có doanh thu công ty của họ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong số đó, 43% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã giảm đến 21-40% doanh thu. Có tới 57% các công ty Thực phẩm & Đồ uống nói rằng doanh thu của họ bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian này, theo sau đó là ngành Bất động sản (56%) và Sản xuất (44%).
Bên cạnh doanh thu và hoạt động kinh doanh giảm sút, nhiều công ty phải đối mặt với những quyết định nhân sự khó khăn, bao gồm cả việc sa thải hoặc cắt giảm lương. 30% doanh nghiệp giảm số lượng nhân viên từ 1-20% và 16% doanh nghiệp thậm chí phải cắt giảm 21-40% số lượng nhân viên hiện tại.
Đáng chú ý, lĩnh vực truyền thông có 46% doanh nghiệp phải cắt giảm 20% nhân viên và 38% doanh nghiệp giảm bớt 21-40%. Cá biệt, có hơn 7% công ty thậm chí đã chấm dứt hợp đồng hơn 60% nhân sự.
Cạnh đó, dù không có tín hiệu tích cực nào về doanh thu trong chuỗi cung ứng và hậu cần nhưng có tới 62% công ty trong lĩnh vực này duy trì lực lượng lao động của họ, chỉ có hơn 7% công ty sa thải 21-40% nhân viên. Các lĩnh vực khác có tỉ lệ không sa thải nhân viên cao là công nghệ thông tin (55%), tài chính và bảo hiểm (54%).
Để giảm thiểu rủi ro vì đại dịch, hơn 58% các công ty hoãn tất cả các hoạt động tuyển dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Các giải pháp giảm chi phí lao động khác bao gồm hoãn đợt đánh giá kết quả công việc và tăng lương (37%).
Đồng thời các công ty cũng hủy các chương trình thực tập, giảm giờ làm việc, yêu cầu nghỉ phép không lương tạm thời, ngừng gia hạn hợp đồng vô thời hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng TP HCM, Adecco Việt Nam nhận xét: ‘’Ngành sản xuất chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch này, đặc biệt là các công ty nội thất, dệt may và giày dép có thị trường ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Các lĩnh vực thực phẩm/đồ uống và khách sạn/du lịch cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sa thải cao nhất để có thể tối ưu chi phí duy trì hoạt động. Do đó, việc tuyển dụng trong các lĩnh vực này bị tạm hoãn hoặc kéo dài thời gian hơn.
Số lượng tuyển dụng vị trí cấp cao trong quý 2 năm 2020 cũng suy giảm khá nhiều khi các công ty gặp khó khăn trong suy thoái kinh tế. Adecco Việt Nam cũng chứng kiến một làn sóng ứng tuyển việc làm gia tăng gần gấp đôi so với thời gian bình thường ở các cấp quản lý kể từ đỉnh điểm của đại dịch vào tháng 3.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực như sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và hóa chất có nhu cầu tuyển dụng vị trí bán hàng cao hơn 10 – 20% so với thường lệ. Các công ty công nghệ, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia kỹ thuật và bán hàng tăng từ 10-15%.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam xác nhận: ‘’Trong quý 2 năm nay, các chuyên gia địa phương được tìm kiếm nhiều thay vì người nước ngoài vì sự cắt giảm ngân sách tuyển dụng cũng như tình trạng đóng cửa biên giới. Mức lương cũng thấp hơn mức trung bình của thị trường năm ngoái. Dù vậy, tại Hà Nội, một số công ty bán dẫn và công nghệ cao lớn vẫn đang thiếu nhân lực do nhu cần thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển mới.’’
Cũng trong khảo sát này của Adecco, 31% doanh nghiệp ước tính sẽ phục hồi trong 1-3 tháng tới. 29% doanh nghiệp khác phục hồi sẽ mất nhiều thời gian hơn từ 3-6 tháng. Khi các quốc gia bắt đầu mở cửa biên giới, thị trường lao động của ngành thực phẩm/thức uống, ngành hàng không và khách sạn sẽ sôi sục trở lại để vực dậy doanh nghiệp.
Các công ty vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với thách thức thu hút nhân tài vì các công ty lớn gần đây đã quay trở lại thị trường với ngân sách khủng để thúc đẩy nơi làm việc an toàn là trọng tâm chính để tuyển dụng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng linh hoạt để có thể thích ứng với sự chuyển động nhanh chóng của thị trường. Nếu đầu tư thời gian và nỗ lực để nâng cao trình độ, thu hút và giữ chân nhân viên của mình, các doanh nghiệp này sẽ dành lợi thế trước đối thủ.
Bà Nguyễn Thu Hà cho biết thêm: ‘Nhu cầu tuyển dụng trong quý 3 sẽ tốt hơn quý 2 khi một số quốc gia bắt đầu mở cửa và các công ty sẽ gấp rút thực hiện kế hoạch kinh doanh đã bị trì hoãn từ đầu năm 2020. Hiện tại, các công ty có thể có được những ứng cử viên tốt nhất với mức lương tuyển dụng hợp lý.’’
Có thể bạn quan tâm