Nhân lực 4.0: Năng lực lãnh đạo nhân sự đổi mới
Việt Nam cần phát triển đội ngũ lãnh đạo với năng lực đổi mới và tư duy lãnh đạo bao trùm cũng như hiểu biết về vai trò quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2020 do khả năng kiểm soát tốt dịch COVID, Việt Nam đang đứng trước triển vọng tích cực để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới và trở thành một cường quốc ở châu Á. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đang có tiềm năng to lớn để đẩy mạnh phát triển thế hệ lãnh đạo mới và lực lượng lao động lành nghề cho thị trường toàn cầu. Đây sẽ là đội ngũ có vai trò to lớn trong việc đảm bảo rằng lực lượng lao động sẽ sẵn sàng cho những thách thức trong tương lai.
ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 của Việt Nam đã nhấn mạnh giá trị mà đổi mới sáng tạo có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong thế giới hậu COVID. Ưu tiên của chiến lược này là phát triển các kỹ năng và nền tảng kiến thức cho lực lượng lao động theo hướng đổi mới, dựa trên tư duy cầu tiến.
Báo cáo Xu hướng Nguồn nhân lực toàn cầu năm 2021 của Deloitte chỉ ra rằng, khi các doanh nghiệp chuyển từ trạng thái "tồn tại” sang “phát triển" thì sự đổi mới sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của thế giới việc làm. Nói cách khác, tư duy đổi mới và khả năng lãnh đạo sáng tạo sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Báo cáo Đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới thì cho thấy nhiều diễn tiến tích cực trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức có khả năng thúc đẩy đổi mới tại Việt Nam. Đó là những tổ chức có thế mạnh về xuất khẩu, năng lực thu hút đầu tư và uy tín trong khoa học và công nghệ.
Tất cả những yếu tố trên đang tạo nên một môi trường nuôi dưỡng tính đổi mới sáng tạo – một nơi mà các ý tưởng liên tục được chia sẻ, hỗ trợ và nở rộ.
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CẦN GÌ?
Có thể nói đổi mới là một nhiệm vụ quan trọng đối với cả các giám đốc điều hành và lực lượng lao động nói chung. Không thể có đổi mới hay sáng tạo nếu như thiếu đi tư duy thách thức hiện trạng và chấp nhận rủi ro, cho dù là trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ hay công tác xóa đói giảm nghèo. Như Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, các doanh nghiệp Việt có thể phát triển quan điểm lành mạnh về chấp nhận rủi ro. Đây là điều kiện rất quan trọng để tính đổi mới sáng tạo có thể phát huy tiềm năng và những ý tưởng mới mẻ có thể thành công.
Nếu muốn đội ngũ lãnh đạo của mình tích cực đổi mới hơn thì các doanh nghiệp nên đưa ra các biện pháp khuyến khích việc chấp nhận rủi ro, đặc biệt là khi các sản phẩm hay dịch vụ mới chứng tỏ thành công và mang lại lợi nhuận. Đây vừa là cách thúc đẩy tinh thần sáng tạo, mong muốn giải quyết vấn đề và tư duy phản biện trong đội ngũ lãnh đạo, vừa là cách khen thưởng xứng đáng cho những ý tưởng tuyệt vời.
Song song với mong muốn đổi mới là yêu cầu ứng dụng công nghệ. Công nghệ vi tính và trí tuệ nhân tạo có khả năng hỗ trợ phân tích dữ liệu và đưa ra thông tin hữu ích, giúp doanh nghiệp có thông tin thời gian thực về các cơ hội đổi mới trong doanh nghiệp cũng như khả năng triển khai các cơ hội này. Nhờ vậy mà doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể kiểm tra nhanh chóng các ý tưởng và mô hình hóa kết quả nhờ những công nghệ như in 3D hay siêu máy tính, qua đó mà đẩy nhanh tiến trình đổi mới mà không phải chịu chi phí quá cao.
Nhân sự sẽ cần được đào tạo và nâng cao nhận thức để có thể tự tin ứng dụng thành công những công nghệ trên, không chỉ trong hoạt động vận hành hàng ngày mà cả trong các quyết định chiến lược. Đặc biệt, kiến thức về các xu hướng, sản phẩm mới và an ninh mạng là rất cần thiết để có thể kiến tạo các cơ hội đổi mới cho tương lai.
Để đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp cần đội ngũ nhân sự đa dạng, đa tài và đa thế hệ - nơi sự táo bạo của người trẻ và sự thông thái của các bậc tiền bối bổ trợ cho nhau. Các nhà lãnh đạo cần tôn trọng tính bao trùm, đồng thời áp dụng tư duy đổi mới và văn hóa doanh nghiệp hướng tới tôn vinh sự đa dạng và tinh thần học hỏi. Đây là những khía cạnh vô cùng quan trọng trong hành trình đổi mới sáng tạo.
Theo một bài viết gần đây trên tạp chí Forbes, lãnh đạo doanh nghiệp nên thử nghiệm nhiều công cụ hỗ trợ hợp tác để nhân viên có thể giao lưu và tranh luận một cách thoải mái, từ đó mà ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo. Chúng ta rất cần những môi trường và hệ sinh thái nơi những bộ óc thông thái nhất có thể gặp gỡ, thảo luận, phản biện và thử nghiệm ý tưởng cùng nhau. Đó là vì ý tưởng hay có thể xuất phát từ một cá nhân cụ thể nhưng thường cần đến sức mạnh tập thể để trở nên hoàn thiện.
Đổi mới sáng tạo thường đi đôi với trí tưởng tượng và thử nghiệm, nhưng bất kỳ ý tưởng nào cũng cần phải được đánh giá về tính khả thi một cách thực tế.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lực lượng lao động cần cân nhắc những cách tư duy đổi mới sáng tạo sau đây:
- Đừng hài lòng với hiện tại mà hãy “đứng ngồi không yên”
- Hãy sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác
- Mơ mộng là cần thiết nhưng bạn cũng cần biết thử nghiệm và phân tích
- Nhận ra tính đa dạng của con người cũng như tính đa dạng của các ý tưởng và cơ hội
- Đầu tư vào con người và ý tưởng của họ
- Tạo hệ sinh thái nơi các ý tưởng có thể nảy nở
- Dùng xung đột sáng tạo tích cực làm phương tiện để thúc đẩy các ý tưởng mới
- Bám sát các xu hướng công nghệ hiện tại và tương lai.