Lao động ngành xây dựng "ngấm đòn sâu"
Có tới 73% doanh nghiệp trong ngành xây dựng tham gia khảo sát đã phải cắt giảm lao động, tiếp đến là ngành dịch vụ khoảng 63,5%.
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, cán bộ quản lý an toàn Công ty cổ phần Fecon, đơn vị đang thi công dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 cho biết, thời gian thành phố áp dụng chỉ thị 15 và 16 các dự án đã phải giảm số lao động trên công trình, chỉ hơn 80 công nhân được làm việc. Đáng nói, đối với các phần việc đơn giản, khoảng 40% lao động thời vụ đã nghỉ việc, nay thiếu hụt do phần lớn lao động chưa thể quay lại làm việc.
Báo cáo “Khảo sát về những ảnh hưởng của dịch covid-19 đến các vấn đề lao động việc làm tại doanh nghiệp” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến nhiều địa phương, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải ngừng hoạt động dẫn đến tình hình việc làm và đời sống của người lao động hết sức khó khăn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có tới 60,13% số doanh nghiệp là giảm lao động theo các mức độ khác nhau.
Giảm lao động nhiều nhất là các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, gần 73%, tiếp đến là ngành dịch vụ khoảng 63,5%, đây là những ngành được coi là chịu tác động mạnh nhất của đại dịch ngay từ đầu và trong năm 2020.
Đáng lưu ý, hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có lao động nghỉ việc, lý do quan trọng nhất là do “phải cách ly" chiếm 40,52%; tiếp đến là “do thiếu việc, doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc” chiếm 37,9% và thứ ba là nghỉ việc vì “người lao động tự xin nghỉ” để trông con do nhà trường đóng cửa, kèm con học trực tuyến, chăm sóc người già, người bệnh, . . . chiếm 21,6%. Ngoài ra, lao động tự xin nghỉ việc còn là do tâm lý lo lắng khi đi làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao khi chưa được tiêm vắc xin.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách thức tổ chức lao động như áp dụng chế độ “làm việc tại nhà/làm việc từ xa/làm việc trực tuyến cho các bộ phận thích hợp”, cho lao động “nghỉ việc luân phiên” hoặc “tổ chức làm việc bán thời gian” và những cách khác nữa. Tuy nhiên, với việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức lao động, “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “luồng xanh”, thực hiện giãn cách,... chi phí sản xuất đã tăng lên đáng kể làm cho nguồn lực bị cạn kiệt.
Trong khi đó, các gói hỗ trợ dù được triển khai nhưng phạm vi và mức độ tác động của các gói hỗ trợ còn hạn chế. Cụ thể, gói hỗ trợ về thuế, tín dụng và ASXH đối với các DN và người lao động, chỉ có 35,29% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về thuế, 30,7% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về tín dụng và 23,5% số doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ về an sinh xã hội.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ còn thấp, mức độ đáp ứng không cao, quy trình thủ tục phức tạp, nhiều điều kiện khó đáp ứng, giải ngân chậm, kém hiệu quả và thực sự là không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, vaccine dù được doanh nghiệp coi là giải pháp cơ bản để vượt qua dịch bệnh, ổn định và phát triển sản xuất, song tình hình triển khai còn rất chậm.
Khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ 30% số doanh nghiệp có một số lao động đã được tiêm và chỉ mới một tỷ lệ nhỏ số doanh nghiệp là đã tiêm đầy đủ cho người lao động, khoảng 5,23% số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đều sẵn sàng chia sẻ kinh phí với nhà nước và hợp tác với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người lao động nhưng cạn kiệt nguồn vaccine vẫn đang là trở ngại.
Những điều này khiến doanh nghiệp đối mặt với những thách thức, thứ nhất, chi phí sản xuất tăng cao do phải triển khai đồng thời nhiều giải pháp để ứng phó với dịch bệnh (chi phí lao động tăng thêm, chi phí bổ sung cho AVSLĐ, chi phí phòng chống dịch). Giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và phí vận chuyển tăng cao. Chi phí sản xuất tăng cao khi doanh nghiệp áp dụng Mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”, “luồng xanh”.
Thứ hai, doanh nghiệp có nguy cơ mất khách hàng và mất cơ hội ký kết các hợp đồng mới. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất (do yêu cầu về dãn cách), thậm chí do không đảm bảo an toàn phòng dịch, chi phí quá cao nên nhiều DN phải quyết định tạm dừng sản xuất, không hoàn thành các đơn hàng hiện có mà nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm 2021, thậm chí đến quý I năm 2022.
Thứ ba, lao động nghỉ việc về quê tránh dịch có khả năng không quay lại do lo ngại dịch bệnh và những khó khăn mà họ đã trải qua nên các doanh nghiệp sẽ khó duy trì được lực lượng lao động và tuyển lao động mới phục vụ sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Xây dựng kế hoạch đưa người lao động trở lại TP để khôi phục kinh tế
15:35, 24/09/2021
Doanh nghiệp và người lao động sẽ được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp do ảnh hưởng COVID-19
07:12, 27/09/2021
38.000 tỷ đồng - Nguồn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động
05:30, 27/09/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nghị quyết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
18:15, 25/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần sẵn sàng phương án đón người lao động trở lại
14:50, 25/09/2021