Vận tải biển khan hiếm thuyền viên
Vận tải biển “được mùa”, thuyền viên cũng “lên ngôi”. Thế nhưng, các doanh nghiệp vận tải biển trong nước lại lâm cảnh thiếu thuyền viên trầm trọng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 hoành hành khiến lượng nhân sự hàng hải càng sụt giảm mạnh.
Hiếm như… thuyền viên
Thiếu nhân lực, các doanh nghiệp đua nhau săn nhân sự. Nhiều hãng mạnh dạn trả mức lương ngất ngưởng lên gấp 2 hoặc hơn 2 lần so với trước đây.
Cụ thể, có những doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương 120 triệu đồng/tháng cho chức danh thuyền trưởng (CAPT) tàu 7.000DWT chạy tuyến Đông Nam Á, tăng hơn gấp đôi so với 1 năm trước. Tương tự, cũng size tàu và tuyến hành trình như vậy, những vị trí mới ra trường như thủy thủ trực ca (AB) hiện nay được trả mức lương 30 triệu đồng/tháng mà vẫn… bói không ra người. Nếu ở thời điểm trước dịch, chức danh này dễ dàng tuyển dụng với mức chỉ 11-12 triệu đồng.
Khan hiếm thuyền viên đến mức nhiều công ty phải chấp nhận tuyển thuyền viên yếu về chuyên môn, miễn là có đủ bằng cấp, chứng chỉ để đảm bảo đủ định biên an toàn tối thiếu theo quy định. Thậm chí, trên trang tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp chấp nhận tuyển các thuyền viên chưa có kinh nghiệm... Chính vì đắt giá như vậy nên thuyền viên mặc sức “bay nhảy”, tìm đủ mọi lý do để xin chấm dứt hợp đồng trước hạn để “nhảy” sang các hãng tàu khác, nhất là tàu “đánh thuê” có mức lương cao hơn.
Doanh nghiệp nội khốn khổ
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp chấp nhận trả lương thuyền viên với mức… “phá giá” để có người. Bởi nếu không đủ thuyền viên theo quy định, thì tàu phải “đắp chiếu”. “Mỗi ngày tàu ngừng chạy, doanh nghiệp mất hàng nghìn USD chi phí, chưa kể hàng loạt các hệ lụy khác” – ông Nguyễn Công Thặng, cán bộ hãng tàu GLS cho biết.
Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp nội khi phải cạnh tranh nhân lực với các hãng tàu ngoại, đặc biệt các hàng tàu Trung Quốc. Theo đại diện một đơn vị cung ứng dịch vụ tàu biển tại Hải Phòng, hiện nay các hãng tàu Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng các thuyền viên rất lớn.
Ngoài mức lương rất hấp dẫn, các điều kiện đi kèm cũng được nới lỏng. Cụ thể, trước đây các ứng viên phải trải qua quá trình phỏng vấn bằng tiếng Anh chặt chẽ thì hiện nay, những chức danh thấp chỉ cần có đầy đủ hồ sơ, chứng chỉ chuyên môn là có thể đáp ứng yêu cầu và đi làm.
Theo ông Trần Hữu Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải và Đầu tư Thương mại An Thái, tình trạng khan hiếm thuyền viên hiện nay sẽ không kéo dài nhưng thời điểm kết thúc phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch COVID-19 tại các quốc gia, đặc biệt là ở các nước xuất khẩu thuyền viên. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các thị trường xuất khẩu thuyền viên lớn bình ổn, chủ tàu ngoại sẽ vẫn lấy thuyền viên Việt Nam nhưng không ồ ạt như hiện nay.
Mới đây, Bộ GTVT đã có họp và bàn giải pháp tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa để hoạt động hàng hải thông suốt, duy trì hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh. Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất liên quan đến dây chuyền xuất nhập khẩu hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải khốn khổ vì bị mất trộm hộp đen
13:16, 15/10/2021
Phục hồi vận tải hành khách bằng ô tô: Cần xóa bỏ rào cản từ các địa phương
04:20, 13/10/2021
Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp từng cấp độ chống dịch
19:35, 02/10/2021
Phải coi vận tải là tuyến đầu phục hồi kinh tế
20:53, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sức chống đỡ của doanh nghiệp vận tải đã cạn dần
08:50, 26/09/2021