Doanh nghiệp F&B “thích ứng an toàn với COVID-19” để phục hồi sản xuất, kinh doanh

Diễm Hương 22/10/2021 23:52

Thực tế, Chính phủ xoay trục chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng “sống chung an toàn với COVID-19”. Nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh dài hạn giống như cơ chế miễn dịch khi tiêm vắc-xin.

chuẩn bị cho việc quay trở lại hoạt động bình thường, doanh nghiệp F&B phát triển các chiến lược toàn diện

Chuẩn bị cho việc quay trở lại hoạt động bình thường, doanh nghiệp F&B phát triển các chiến lược toàn diện.

Bên cạnh đó, những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng tác động không nhỏ đến việc định hình thị trường ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam (F&B). Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp đang bắt đầu làm quen thích nghi với đại dịch, khi các lệnh giãn cách xã hội dần được nới lỏng một cách thận trọng.

“Cú hích” giải quyết nút thắt về logistics và lao động.

Theo khảo sát của Vietnam Report, triển vọng ngành trong 6 tháng cuối năm 2021, phần lớn doanh nghiệp tỏ ra thận trọng hơn so với thời điểm cách đây một năm. 78% số doanh nghiệp cho rằng nửa cuối năm kinh doanh sẽ khó khăn hơn, tăng gấp đôi mức 37% của năm trước.

 Dẫu vậy, có đến 80% doanh nghiệp trong ngành tỏ ra tin tưởng vào sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam sau đại dịch. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay khoảng 3,8%. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trong bối cảnh toàn thể bộ máy chính trị và xã hội nước ta vừa gồng mình chống dịch vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Hiện nay các đợt bùng phát dịch được kiểm soát, sẽ tạo đà cho phục hồi kinh tế vào quý IV năm 2021. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng, với ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.

Do vậy, thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp F&B cũng được dự báo khá tích cực với 47% số doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng, 33% số doanh nghiệp mất khoảng 7-12 tháng và 13% mất nhiều hơn 12 tháng.

 Đặc biệt, Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" mới được ban hành được coi như một “cú hích” giúp địa phương và doanh nghiệp giải quyết nút thắt về logistics và lao động, từ đó thúc đẩy tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chuẩn bị cho việc quay trở lại hoạt động bình thường.

Để ứng phó với những khó khăn trước mắt cũng như chuẩn bị cho việc quay trở lại hoạt động bình thường, doanh nghiệp F&B phát triển các chiến lược toàn diện liên quan đến quản trị vận hành, Chiến lược sản phẩm, Tương tác khách hàng và Ứng dụng công nghệ. Là ngành công nghiệp có yêu cầu về xoay vòng vốn nhanh, dĩ nhiên, tăng trưởng doanh thu là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp F&B. Động lực tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp F&B dự kiến đến từ thị trường nội địa 88%, kênh phân phối truyền thống 86%, và danh mục sản phẩm cốt lõi có trước COVID-19 là 69%.

Theo dự báo trước năm 2020, thị trường F&B Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Quy mô thị trường dự kiến đạt 678 triệu USD với lượng người dùng dự kiến sẽ đạt 17,1 triệu vào năm 2025.

Mặc dù các kênh thương mại điện tử, trực tuyến hứa hẹn mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh hơn, nhưng việc thiếu một hệ sinh thái logistics toàn diện vẫn tiếp tục là một trở ngại trong việc thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng các kênh thương mại điện tử, trực tuyến nhiều hơn.

Do vậy, doanh nghiệp trong ngành cần phát triển các chiến lược tiếp cận thị trường bằng việc xây dựng nhiều kênh bán hàng, từ đó phát triển mô hình bán hàng đa kênh (omnichannel), đồng thời nỗ lực khắc phục các vấn đề tồn tại của việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như logistics, vận chuyển, hoặc thu hút khách hàng.

Với mục đích nâng cao trải nghiệm khách hàng, để từ đó gia tăng sự trung thành của khách hàng, các doanh nghiệp trong ngành sẽ cần gia tăng tương tác với khách hàng, hiểu rõ hơn về những vướng mắc, khó khăn của họ để từ đó thiết kế những chương trình khách hàng thân thiết hợp lý và hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.

COVID-19 đang “ăn mòn” ngành thực phẩm và nông nghiệp

COVID-19 đang “ăn mòn” ngành thực phẩm và nông nghiệp

Sức chống chọi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối dần.

Hiện nay, đứng trước đại dịch COVID-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang đối mặt với bài toán sống còn. Theo tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng tác động kéo dài của đại dịch đến doanh nghiệp trong ngành trở nên rõ nét hơn sau đợt bùng phát vào tháng 4, và trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7 với tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91%. Điều này cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối dần.

Đồng thời, những khó khăn lớn nhất mà ngành F&B đang phải đối mặt là logistics và phân phối (chiếm 91%) khi mà một số vùng kinh tế trọng điểm của nước ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là đứt gãy nguồn lao động, nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng... Một số biện pháp của Chính phủ như mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hay cơ chế “luồng xanh” tỏ ra chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm mỗi địa phương khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa.

 Khó khăn về logistics cũng là nguyên nhân khiến cho dự báo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm nửa cuối năm giảm khoảng 30%. Cụ thể là thời gian và chi phí lưu kho tăng, dễ dẫn đến tình trạng “quá date” trước khi đến tay người tiêu dùng do các mặt hàng này đều có thời gian sử dụng ngắn.

Theo đó, các chuyên gia đánh giá COVID-19 đang “ăn mòn” ngành thực phẩm và nông nghiệp. So với năm trước, một số thách thức mới nảy sinh cùng với tác động lâu dài và nghiêm trọng của đại dịch đối với nền kinh tế, đó là: Làn sóng lây nhiễm/bùng phát COVID-19 mới (95%); Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu (60%). Một số thách thức khác đến từ bên trong doanh nghiệp mà trên 35% số doanh nghiệp F&B vấp phải trong quá trình thích ứng với những tác động của dịch bệnh bao gồm:  Đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc; Khả năng nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu chi phí để đáp ứng nhu cầu; Mức giảm quy mô nhân sự và năng suất; Khả năng quản lý hiệu quả các mô hình làm việc từ xa và tại chỗ kết hợp.

Bên cạnh những khó khăn, khoảng 17% số doanh nghiệp F&B cho biết đang gặp thách thức về tính thanh khoản. Dòng tiền của 46% doanh nghiệp đã cạn, chỉ đủ để doanh nghiệp duy trì hoạt động từ 1-3 tháng nữa.

Theo đại diện một số doanh nghiệp trong ngành cho biết, do đặc thù ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, chi phí xét nghiệm cho lao động sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp nếu không có được sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Tạo cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp đồ uống

Theo ông Nguyễn Văn Việt – CT. Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết. Các doanh nghiệp Đồ uống đang đứng trước tình trạng “treo xà’, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đồ uống đang chịu tác động kép kể từ khi dịch bệnh Covid -19 bắt đầu cũng như ác chính sách ban hành nhằm hạn chế tiêu dùng như NĐ 100/2019/NĐ-CP.

Trong bối cảnh các thành phố lớn đều giãn cách, hạn chế tụ tập ăn uống, tình hình kinh doanh sụt giảm, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh; tại một số địa bàn như TP. Hồ Chí Minh do dịch diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại, việc giao hàng trở nên khó khăn và gần như không giao tận tay cho người tiêu dùng được. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đang ở tình trạng “treo xà” và nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và nền kinh tế hoạt động lại một cách bình thường, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải “buông tay” rơi vào tình trạng phá sản.

Trước ý kiến, VBA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện: Chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; Miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến: BHXH, kinh phí công đoàn. Hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch. Và “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ đối với các các nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Cho phép cộng lãi xuất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; Gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch diễn ra suốt hơn một năm qua thì ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, duy trì được tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp trụ vững nằm trong Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2021 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan, người tiêu dùng, chuyên gia… được thực hiện trong tháng 8/2021.

Có thể bạn quan tâm

  • [Infographic] Thích ứng an toàn với COVID-19

    [Infographic] Thích ứng an toàn với COVID-19

    15:30, 02/10/2021

  • Để “sống chung” an toàn với COVID-19

    Để “sống chung” an toàn với COVID-19

    06:00, 08/09/2021

Diễm Hương