Doanh nghiệp thiếu chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0

TS.LƯƠNG MINH HUÂN Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 29/10/2021 08:12

Hiện có đến gần một nửa số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0 và 39,4% doanh nghiệp mới dừng lại ở giai đoạn xây dựng kế hoạch.

Công nghiệp 4.0 (CN 4.0) đã và đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất của các doanh nghiệp nhờ việc ứng dụng các công nghệ số. Điều này đòi hỏi người lao động cần được trang bị thêm các kỹ năng phù hợp với các phương thức sản xuất trong CN 4.0. Khung năng lực lao động cho CN 4.0 sẽ không thay thế các bộ kỹ năng hiện có, thay vào đó, sẽ bổ sung những kỹ năng mới. Có nhiều kỹ năng có từ trước và giờ vẫn quan trọng nhưng cũng có những kỹ năng mới liên quan trực tiếp đến CN 4.0 nhiều hơn như kỹ năng kỹ thuật số. Khung năng lực về kỹ năng lao động trong CN 4.0 có thể phân thành hai nhóm kỹ năng chính sau: kỹ năng kỹ thuật (kỹ năng công nghệ, kỹ năng lập trình, kỹ năng kỹ thuật số) và kỹ năng mềm (kỹ năng tư duy, kỹ năng xã hội; kỹ năng cá nhân).

TS.LƯƠNG MINH HUÂN Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam”

TS.LƯƠNG MINH HUÂN Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam”

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đa phương (MSF) 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Samsung Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), nhóm nghiên cứu của VCCI đã thực hiện một nghiên cứu về “Thực trạng tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 và hàm ý cho hợp tác công tư”. Theo kết quả khảo sát của VCCI, hiện có đến gần một nửa số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về lực lượng lao động cho CN 4.0 và 39,4% doanh nghiệp mới dừng lại ở giai đoạn xây dựng kế hoạch. Chỉ có 11,8% doanh nghiệp khảo sát đã có kế hoạch về lực lượng lao động nhưng chưa triển khai và 6% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đang triển khai có kết quả. Điều này cho thấy sự chuẩn bị chậm trễ của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho CN 4.0, nhất là các DNNVV.

Xét tổng thể lực lượng lao động, kỹ năng được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất chính là các kỹ năng xã hội và kỹ năng cá nhân, tiếp đến mới là kỹ năng tư duy và kỹ năng công nghệ, cuối cùng là kỹ năng về kỹ thuật số và kỹ năng lập trình. Điều này cho thấy ngay cả trong thời kỳ CN 4.0 thì các kỹ năng mềm vẫn đóng vai trò quan trọng, tiếp đó mới tới các kỹ năng về kỹ thuật. Riêng đối với lao động kỹ thuật, kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng CNTT cơ bản, tiếp đến là nhóm kỹ năng mềm và nhóm kỹ năng liên quan đến sử dụng công nghệ. Các doanh nghiệp đánh giá khả năng đáp ứng của người lao động kỹ thuật chuyên môn hiện nay đang không theo kịp mức độ cần thiết ở tất cả các kỹ năng.

Gắn kết cung- cầu

Có gần 80% doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động. Doanh nghiệp giành nhiều sự quan tâm nhất trong việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao thêm một số kỹ năng mà người lao động đã sẵn có, tiếp đó là đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng. Doanh nghiệp coi trọng hơn vai trò của các cơ sở đào tạo bên ngoài trong việc đào tạo các kỹ năng mới, kỹ năng liên quan đến CN 4.0, còn những việc đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng hay nâng cao kỹ năng thì doanh nghiệp có xu hướng tự làm nhiều hơn.

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng lao động bên ngoài vẫn còn hạn chế, nhưng 2/3 doanh nghiệp từng thực hiện hợp tác trong đào tạo đánh giá kết quả tương đối khả quan. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, vẫn chú trọng nhiều hơn vào sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc cùng chuỗi cung ứng để cùng đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động, vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhu cầu của DN và khả năng của người lao động trong doanh nghiệp cũng như trong chuỗi cung ứng. Mô hình hợp tác theo các dự án hỗ trợ của Nhà nước cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi họ cho rằng nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thông qua định hướng phát triển các kỹ năng nghề theo chiến lược phát triển kinh tế hoặc hỗ trợ về mặt tài chính.

Trong hợp tác với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ yếu liên kết hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo để đào tạo chính quy hoặc đào tạo nâng cao năng lực. Doanh nghiệp vẫn chưa tham gia sâu hơn trong quá trình đào tạo, từ khâu tham gia xây dựng chương trình đào tạo, cử cán bộ chuyên gia tham gia giảng dạy, đến khâu đánh giá kết quả đầu ra của đào tạo. Bởi vậy, đây cũng là những hình thức mà các DN mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn trong tương lai.

Khi tham gia vào liên kết với các cơ sở đào tạo, phần lớn doanh nghiệp đều đặt các lợi ích nhằm giải quyết được nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động hay giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động của doanh nghiệp lên hàng đầu. Các mục tiêu như thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao vị thế và hình ảnh của doanh nghiệp cũng được các doanh nghiệp nhắc đến. Bên cạnh những lợi ích thúc đẩy, thì việc tham gia vào liên kết cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra các khoản chi phí, trong đó chi phí lớn nhất là chi phí về cơ sở vật chất và chi phí thời gian. Ngoài ra, chi phí thuê đội ngũ chuyên gia, giảng viên bên ngoài tạo nên một khoản chi phí lớn khiến đa số doanh nghiệp cảm thấy e ngại.

Rào cản bên ngoài hàng đầu ngăn cản doanh nghiệp tham gia liên kết đào tạo là thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Một số rào cản khác có thể kể đến như thiếu cơ chế hợp tác lâu dài với các cơ sở đào tạo, sự chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý hay thiếu sự tin tưởng vào năng lực đào tạo của các có sở đào tạo. Về rào cản bên trong, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết là do công nghệ sản xuất của họ đơn giản nên chưa cần nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tiếp đến là liên quan đến chi phí đầu tư. Nguyên nhân đến từ sự thiếu chuyên gia/nhân lực có khả năng tham gia vào quá trình đào tạo hoăc thiếu máy móc, công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo là trở ngại khoảng 1/3 doanh nghiệp.

Thúc đẩy liên kết đào tạo

Để chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu CN 4.0, một trong những yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia là cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động. Để thực hiện chiến lược này, ngoài vai trò của các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì vai trò của các doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

Để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, thì Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng CN 4.0 và thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng nghề tích hợp nội dung CN 4.0. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xác định những ngành chiến lược ưu tiên trong CN 4.0 để có kế hoạch đầu tư, đào tạo nghề gắn liền với việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Việt Nam cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê nhu cầu lao động trong các ngành, làm cơ sở cho việc dự báo về xu hướng hướng phát triển của thị trường lao động và kỹ năng cần đào tạo. Nhà nước cần thúc đẩy hợp tác đa phương tối ưu hóa nguồn lực và khớp nối cung cầu giữa Nhà nước – doanh nghiệp – Nhà tài trợ - Nhà đầu tư – Các tổ chức xã hội – Khu vực đào tạo chuyên nghiệp.

Về phía các cơ sở đào tạo, việc các cơ sở đào tạo cần làm nhất là nâng cao năng lực đào tạo, đi kèm với đó là gắn kết đào tạo lao động với nhu cầu thị trường theo hướng CN 4.0 để đảm bảo học viên sau đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ sở đào tạo, thông qua bộ phận chuyên trách về hợp tác, cung cấp thường xuyên thông tin về chương trình đào tạo tới phía doanh nghiệp và có tiếp thu những đóng góp từ phía doanh nghiệp để thay đổi kịp thời chương trình đào tạo cho phù hợp với biến động thực tế trên thị trường. Các cơ sở đào tạo nên có cam kết rõ ràng về chuẩn đầu ra và cùng với doanh thống nhất về quy chế đánh giá học viên nhằm đảm bảo chất lượng người lao động.

Cuối cùng, về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược và phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động, chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo trong cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, cập nhật công nghệ mới, đặc biệt trong bối cảnh CN 4.0. Người đứng đầu trong doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về ích lợi có được từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, thành lập các bộ phận chuyên trách về đào tạo để các cơ sở đào tạo bên ngoài, cung cấp nhu cầu về năng lực của lao động để làm cơ sở xác định chuẩn đầu ra cho đào tạo cũng khiến kết quả đào tạo đi đúng hướng, đáp ứng đúng nhu cầu của DN, hạn chế việc phải đào tạo lại lao động. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn thử nghiệm phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng lực lao đồng như: dạy học trực tuyến, dạy học qua phần mềm, qua các nền tảng đa phương tiện để thích ứng với bối cảnh mới.

Kết quả từ khảo sát và các khuyến nghị nêu trên đã được đưa ra tại Ngày Diễn đàn MSF 2021 được tổ chức vào 28/10 vừa qua, nhận được nhiều sự đánh giá cao và hưởng ứng từ các chuyên gia, đại biểu tham dự và theo dõi sự kiện. Đây sẽ là những đóng góp đầu vào giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp để phát triển các định hướng, chiến lược phù hợp hướng đến xây dựng một lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cần đề án về giáo dục nghề nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0”

    “Cần đề án về giáo dục nghề nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0”

    11:18, 22/10/2021

  • Các ngành sản xuất trong nước cần chủ động tiếp cận Công nghiệp 4.0

    Các ngành sản xuất trong nước cần chủ động tiếp cận Công nghiệp 4.0

    02:00, 26/01/2021

  • 10 xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    10 xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    07:39, 10/05/2020

TS.LƯƠNG MINH HUÂN Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam