Không chỉ chuyện lao động sau Tết
Lao động không ổn định luôn là nỗi lo của giới sử dụng lao động sau tết. Chuyên nghiệp hóa chính là đòi hỏi đầu tiên của việc tái cấu trúc thị trường lao động.
Cú sốc di cư năm ngoái bây giờ mới phát tác hệ lụy ở trung tâm công nghiệp Đông Nam Bộ. Rất nhiều doanh nghiệp ở đó bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi sản xuất từ quý I, nhưng gặp phải bài toán thiếu hụt lao động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 cho biết, theo kế hoạch ngày 8/2, đơn vị sẽ quay lại sản xuất. Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang lo lắng về nguồn lao động sau Tết, trong khi đơn hàng xuất khẩu đa số đều có đủ đến giữa năm. Hiện tại nguồn lao động cho ngành may tại TP. HCM đang thiếu khoảng 10% sau khi một số lao động về quê đợt dịch nửa cuối năm 2021 vẫn chưa trở lại, đặc biệt sau Tết tình trạng này càng trầm trọng hơn.
Hàng loạt doanh nghiệp tăng chế độ đãi ngộ, tổ chức về quê đón lao động, ồ ạt đăng tin tuyển dụng nhưng không chắc sẽ lấp đầy vị trí việc làm. Như vậy, phục hồi kinh tế bây giờ không chỉ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh mà còn là vấn đề “đói” lao động.
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, vấn đề tái cấu trúc thị trường lao động vẫn đang là khâu yếu của Việt Nam, đặt biệt là chất lượng dự báo cung cầu lao động. Tái cấu trúc lại hệ thống đào tạo thông qua xây dựng chiến lược và quy hoạch đào tạo mới về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và chất lượng. Doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, cần xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích.