Phải tập trung nâng cao chất lượng lao động
Hiện nay, chúng ta không thiếu lao động nhưng chất lượng lao động lại đang là vấn đề rất đáng quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Nhiều người lao động trẻ có xu hướng chọn việc giản đơn, thủ công tại nhà máy thay vì những vị trí doanh nghiệp đang thiếu, dẫn đến thiếu hụt lao động về lâu dài.
Điều này, vô tình đẩy doanh nghiệp vào tình trạng dở khóc, dở cười bởi chất lượng lao động không đáp ứng được với yêu cầu của công việc.
Lao động thiếu kỹ năng nhưng kén chọn công việc
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, Việt Nam có thể bỏ lỡ thời kỳ dân số vàng nếu chất lượng lao động không được cải thiện.
Ông Lê Nhật Trường - chủ tịch công đoàn Công ty Pousung Đồng Nai - cho hay công ty có 23.000 công nhân nên dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất đồ thể thao, hiện nhà máy vẫn thiếu 6.000 công nhân.
Lý do thiếu công nhân, theo ông Trường, là công nhân đi hết công ty này đến công ty khác, nhiều công nhân “nghe đồn làm 15 năm sẽ không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, thêm nữa một số lao động trẻ bị “ngợp” trước môi trường công nghiệp đòi hỏi kỷ luật cao, giờ làm việc cố định nên có xu hướng nghỉ việc.
“Nhiều công nhân rất kén chọn việc. Ví dụ tuyển công nhân may thì khó tuyển được lao động nam. Lao động nữ vào làm thấy công việc độc hại, nặng nhọc cũng không muốn nhận mà chỉ muốn công việc thủ công, đơn giản.
Công ty hướng lên vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, Gia Lai, nơi người dân tộc thiểu số nhiều, ít việc để tuyển dụng, nhưng khi vào công ty thấy máy móc họ lại sợ và tìm đến công ty khác có việc giản đơn hơn”, ông Trường chia sẻ.
Là một trong những doanh nghiệp gỗ ghép thanh lớn nhất cả nước ông Nguyễn Hữu Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên gỗ Hoàng Thông trải lòng, quá trình vận hành nhà máy, điều khiến ông đau đầu nhất lại là vấn đề lao động chứ không phải là vấn đề về đơn hàng hay tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tôi thật sự rất đau đầu bởi bài toán nhân lực. Doanh nghiệp tôi ở Bình Dương, đa số người lao động đều đến từ ngoại tỉnh, thiếu kỹ năng nghề nhưng họ phải thực hiện cùng lúc nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội. Nếu không tuyển lực lượng lao động ngoại tỉnh này thì doanh nghiệp không thể vận hành bởi thiếu lao động nhưng nếu tuyển thì họ chỉ làm một thời gian rồi nghỉ. Điều này khiến doanh nghiệp rất đau đầu bởi người lao động vào doanh nghiệp được một thời gian, khi họ quen công việc lại xin nghỉ mà không quan tâm đến hợp đồng lao động đã ký, cũng không quan tâm tới sự chuyên nghiệp trong công việc”, ông Thông nói.
Lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa
Trong khi đó, ở vấn đề này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), cho biết mặc dù thị trường lao động nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng chất lượng nguồn lao động còn thấp.
“Điều đáng nói là trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4”, bà Quỳnh nói.
Một điều cần lưu ý trong thị trường lao động của Việt Nam đó là tình trạng già hóa lao động. Lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Tuổi bình quân và trung vị của lực lượng lao động tăng lên. 10 năm tăng khoảng 3 tuổi, tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi năm 2019
Một góc khác của thị trường lao động Việt Nam đó là tình trạng thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-45 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019 chiếm 6,51%, chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp.
Chức năng dịch chuyển lao động theo tín hiệu thị trường chưa rõ ràng. Lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,87%, Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lựng lao động.
Cùng với đó, một vấn đề nan giải khác cũng làm đau đầu người làm chính sách đó là việc Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay. Điều này, càng khiến cho vấn nạn thừa thầy, thiếu thợ trở nên trầm trọng hơn.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Quỳnh, nguyên nhân dẫn các hạn chế trên của thị trường lao động Việt Nam là do chính sách phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Đó là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện.
Cơ chế giám sát thực hiện các chương trình, chính sách kém hiệu lực, hiệu quả thấp. Thiếu khung pháp lý, chế tài xử lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đáng chú ý, theo bà Quỳnh những quy định về lương còn chưa đảm bảo được cuộc sống của người lao động và còn mang tính hình thức.
Có thể bạn quan tâm
Đã đến lúc phải nâng tầm kỹ năng lao động
16:57, 29/12/2022
Viettel Post vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì
16:51, 28/12/2022
Nghệ An không để người lao động nợ lương, nợ thưởng dịp Tết
07:06, 28/12/2022
Đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ lao động mất việc
03:00, 27/12/2022