Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bảo Loan 29/12/2022 15:51

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được coi là giải pháp cốt lõi để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trường nghề thích ứng với chuyển đổi số

Ngày 30/12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các trường nghề đang chuyển mình và thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

Các trường nghề đang chuyển mình và thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thành phố Lào Cai, việc dạy học ứng dụng trình chiếu kết hợp đa phương tiện vào bài giảng cùng một số môn học dạy trực tuyến qua các nền tảng công nghệ được triển khai cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Đào Thị Quỳnh (phường Bắc Lệnh) là sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng mở tại Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai cho biết: Các giảng viên đã áp dụng bài giảng điện tử, sử dụng nhiều hình ảnh, video minh họa sinh động vào quá trình giảng dạy giúp em có thêm hứng thú học tập, tiếp thu bài nhanh hơn.

Theo kế hoạch, Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có 45 - 50% giảng viên, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về năng lực số, kỹ năng và phương pháp sư phạm số. Cùng với đó, 70% chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp được tích hợp kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số, phần mềm chuyên ngành năng lực số. Phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật với mạng internet, mạng nội bộ và máy tính đầy đủ, kết nối thông suốt trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng 7 phòng học ảo sử dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm ảo, bài thực hành mô phỏng cho 7 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia theo từng cấp độ. Lào Cai cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai là “trường học số”, có hệ thống quản trị nhà trường được chuyển đổi theo mô hình “trường học số” và chính quyền điện tử.

Nâng cao chất lượng chuyển đổi số như thế nào?

Để nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, ông Pham Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghiệp khẳng định đối với giáo dục nghề nghiệp muốn thực hiện thành công việc chuyển đổi số cần tập chung các nhóm giải pháp.

Theo đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng học thực hành số, chương trình, giáo trình số, ứng dụng thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo hỗn hợp.

Cùng với đó, đối với quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, phầm mềm quản lý phúc vụ công tác quản lý, điều hành về giáo dục nghề nghiệp; Điều hành hoạt động giáo dục nghề nghiệp dựa trên hệ thống thông tin thông qua Trung tâm thông tin thích hợp (IOC); Xây dựng và phát triển công cụ và triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số.

Tiếp theo, nâng cấp cổng thông tin điển tử Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác báo cáo, thông kê định kỳ, chia sẻ dự liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Bộ, Chính phủ.

“Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Xác định kiến thức và kỹ năng cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đạo tạo, môn học, mô đun liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số. Cập nhập, bổ sung, chỉnh sửa các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao các ngành nghề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân và xã hội. Đào tạo bồi dưỡng, cập nhật liến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo và người học”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, thời gian tới các cơ quan giáo dục cần tiếp tục phát triển, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, đảm bảo kết nối, khai thác phục vụ theo yêu cầu quản lý, quản trị. Số hóa hoạt động nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp.

“Đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số. Tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần đảm bảo an toàn, an ninh mạng, quản lý, giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, cơ chế sao lưu, phục hồi đối với các thiết bị đầu cuối; xây dựng hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số đảm bảo thông tin tin cậy, an toàn, lành mạnh; tổ chức lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng.

Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để người dân hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số với cuộc sống trong tương lai”, ông Bình nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An không để người lao động nợ lương, nợ thưởng dịp Tết

    07:06, 28/12/2022

  • Đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ lao động mất việc

    03:00, 27/12/2022

  • Chính phủ yêu cầu hỗ trợ lao động giảm sâu thu nhập và mất việc làm

    04:00, 26/12/2022

Bảo Loan