Tàu nằm “phơi lưới” vì thiếu thuyền viên

VŨ LAN 09/03/2023 16:13

Đã thiếu lao động lại thêm bắt buộc phải có đầy đủ chứng chỉ trước mỗi chuyến ra khơi khiến hàng trăm tàu cá tại cảng Mắt Rồng, xã Lập Lễ (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) nằm “phơi lưới”.

 Hàng trăm tàu cá xếp san sát nhau chật kín cảng Mắt Rồng (ảnh: Hoàng Quân)

Hàng trăm tàu cá xếp san sát nhau chật kín cảng Mắt Rồng (ảnh: Hoàng Quân)

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên có khoảng 545 phương tiện hoạt động khai thác xa bờ, trong đó, xã Lập Lễ có 461 tàu, còn lại là của xã Phả Lễ và chủ yếu neo đậu tại cảng Mắt Rồng. Không giống như mọi năm cứ sau vài ngày Tết là các tàu cá tất bận ngư cụ để vào vụ cá nam, năm nay hàng trăm tàu cá vẫn án binh bất động, không vươn khơi.
Chỉ 1/54 tàu dài trên 24m đủ điều kiện xuất bến
Đến cảng cá Mắt Rồng xã Lập Lễ những ngày này có thể thấy hàng trăm tàu xếp san sát nhau chật kín bến. Nguyên nhân là do các chủ tàu không thể tuyển được thuyền viên có các chức danh theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022.
Cụ thể, Thông tư quy định tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng tàu cá hạng III mới được ra khơi. Đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, khi ra khơi bắt buộc phải có thuyền trưởng hạng II, máy trưởng hạng II. Riêng tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, ngoài thuyền trưởng hạng I, máy trưởng hạng I phải có thêm thuyền phó, thợ máy.
Tuy nhiên, nhiều chủ tàu cho rằng, việc tuyển được lao động phổ thông thời điểm này đã rất khó khăn, chưa nói đến việc tuyển được người có chứng chỉ. Đối với tàu dài trên 24m, cần đến 4 người có chứng chỉ thì mới được ra khơi lại càng khó khăn hơn cả. Nhiều khi, tìm mãi, gom góp mãi mới có đầy đủ chứng chỉ, chuẩn bị xong dầu, nhu yếu phẩm, đến khi chuẩn bị xuất bến thì đột ngột 1 người trong các thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy bị bệnh là không thể ra khơi. Nhiều chủ tàu vì không tìm được người có chứng chỉ, đành phải cho vợ đi học nhưng cũng chỉ mang tính chất che mắt khi kiểm tra chuẩn bị xuất bến, còn khi ra khơi những bà vợ, bằng một cách nào đó ở lại trên bờ với chứng chỉ của mình. Nhưng như thế cũng chưa đủ, có người còn nói vui, phải lấy thêm 3 bà vợ nữa mới có đủ người đi học chứng chỉ để đáp ứng điều kiện của Thông tư.
Ông Bùi Văn Thắng – Chủ tàu 90956 cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, ngày 17/1, ông đã chuẩn bị đầy đủ ngư cụ và 8 lao động để ra khơi đánh bắt nhưng vì không đủ chứng chỉ, nên tàu của ông buộc phải nằm bờ.
“Vì muốn tìm thêm người có chứng chỉ để ra khơi, tàu nằm bờ thêm 10 ngày, nuôi ăn uống cho 8 người, trung bình mất 6 triệu/ngày/người. Nhưng cuối cùng đành trả tiền cho lao động bắt xe về quê, hàng tấn nhu yếu phẩm cùng 70 tấn đá phải bỏ, tàu tiếp tục nằm bờ và không biết phải nằm đến bao giờ” - ông Thắng chia sẻ.
Không tìm được người học chứng chỉ
Tàu không ra khơi được, những người làm dịch vụ hậu cần cũng “đói” theo. Các chủ tàu cho biết, có những xưởng cơ khí đã từng có đến 30 – 40 công nhân nhưng giờ cũng chỉ còn vài người lẻ tẻ. Cả cảng Mắt Rồng có 1 nhà máy đá nhưng giờ cũng đóng cửa im lìm.
Được biết, ngư dân xã Lập Lễ và xã Phả Lễ huyện Thủy Nguyên đã có đơn đề nghị gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hải Phòng để được giúp đỡ. Trong đơn nêu rõ, với nhân công lao động như hiện nay, chúng tôi không thể đáp ứng được với quy định tại Điều 11, Thông tư sửa đổi bổ sung số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022.
Nhiều chủ tàu với mong muốn đáp ứng được điều kiện cho tàu ra khơi, sẵn sàng ứng chi phí cho bạn biển đi học để được cấp các chứng chỉ nghề cá. Thế nhưng do không có ràng buộc pháp lý, các bạn biển “nhảy” liên tục, khi thì đi biển với tàu này lúc khác đi biển với tàu cá khác nên nhiều chủ tàu không quản lý được lao động. Thậm chí, có người còn chưa học xong chứng chỉ đã nhảy sang tàu khác.
Mục đích của các quy định về chứng chỉ nghề cá là để ngư dân có thể ứng phó với các sự cố đột xuất về máy móc, thiết bị hàng hải cũng như các công đoạn khai thác hải sản trên biển, đảm bảo khi ra khơi người và phương tiện được an toàn, hạn chế tai nạn đáng tiếc. Nhưng theo ông Vũ Văn Cự - Trưởng Liên tập đoàn Cá biển xã Lập Lễ, Thông tư số 01/2022 của Bộ NN&PTNT đòi hỏi quá cao làm các chủ tàu không thể tìm đủ đội ngũ thuyền viên theo yêu cầu. Thực tế của nghề đi biển, mỗi tàu cá cỡ lớn trên 24m cũng chỉ có 6-8 thuyền viên, mỗi chủ tàu đều đã là Thuyền trưởng hạng I và chính bản thân họ hiểu rõ nhất về con tàu của họ. Các thuyền viên khác cũng chỉ là hỗ trợ vận hành cùng.n

VŨ LAN