Giá trông giữ xe ở Hà Nội tăng gần gấp đôi: Người dân “méo mặt”
Ngay sau khi nghỉ tết dương lịch 2018, nhiều người dân đi làm trở lại và đã phải “méo mặt” khi các mức phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô theo lượt, theo tháng đều tăng lên.
Mức phí trông giữ ôtô, xe máy mới
Theo quyết định vừa được phê duyệt, từ 1/1/2018, giá trông giữ xe tại địa bàn các quận, các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) sẽ được tính như sau:
Giá dịch vụ trông giữ xe ôtô đối với xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống (một lượt tối đa không quá 60 phút, quá thời gian 60 phút thu thêm các lượt tiếp theo; Trường hợp gửi xe qua đêm (từ sau 18 giờ đến trước 6 giờ sáng hôm sau) tính bằng 6 lượt.
Theo đó, giá trông ô tô tại 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… có giá 60.000 đồng/ lượt 2 giờ (30.000 đồng/1 giờ), 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày, 4 triệu đồng/tháng gửi cả ngày và đêm; các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm có giá 50.000 đồng/lượt 2 giờ (25.000 đồng/lượt 1 giờ), 2 triệu đồng/tháng ban ngày, 3 triệu đồng/tháng ban đêm.
Các tuyến phố nằm trong vành đai 3 có giá 30.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt 2 giờ, từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng.
Còn đối với dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước (bên trong các toà nhà chung cư, các trung tâm thương mại, các bãi đỗ xe...), chủ đầu tư căn cứ chi phí thực tế tại từng điểm trông giữ phương tiện giao thông để xây dựng mức giá theo hướng dẫn. Như vậy, giá trông giữ xe tại các quận trung tâm thành phố tăng gần gấp đôi so với giá trước đó.
Có thể hạn chế được phương tiện cá nhân?
Mặc dù việc tăng giá giữ xe đã được thông báo từ trước đó, nhưng ngay ngày đầu tiên đi làm của năm 2018, nhiều người dân vẫn bị bất ngờ vì giá trông xe tăng cao. Anh Minh Hoàng cho biết, khi vào gửi xe như thông lệ, anh được nhân viên trông xe gõ cửa và đưa cho tờ thông báo về mức giá trông giữ xe mới. Theo đó, giá trông xe tăng lên 35.000 đồng/giờ thay vì mức cũ là 30.000 đồng/2 giờ. Nếu gửi 8 tiếng thì sẽ phải bỏ ra 345.000 đồng – đây là mức giá quá cao.
Trước phí dịch vụ trông giữ xe tăng lên, nhiều hộ gia đình có ôtô cá nhân phải cam chịu mức phí dịch vụ gửi ôtô cao. Nếu tìm chỗ ưng ý nhưng lại xa nhà, đi lại bất tiện nên đành chịu mức giá cao.
Trước đó, về các mức phí nêu trên, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đây là chủ trương của UBND TP và đã có thông báo trên truyền thông. Ngoài ra, tại các bãi trông giữ xe của Công ty khai thác điểm đỗ cũng dán bảng thông báo cụ thể. "Phản ứng của khách gửi xe có thể do trước đó không để ý, hoặc không theo dõi thông tin trên báo đài" - ông Tuấn nói và khẳng định, mức giá đã được thành phố quyết định nên không thể điều chỉnh.
Hiện Hà Nội đang thiếu điểm trông giữ xe. Ước tính của Sở giao thông, quỹ đất dành cho đỗ xe chỉ đáp ứng nhu cầu chưa đến 50% phương tiện, vì vậy việc tăng giá trông giữ xe được coi là một giải pháp để quản lý, giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố, góp phần giảm ùn tắc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc tăng giá trông giữ xe chưa hẳn đã hạn chế được phương tiện cá nhân. Tình trạng tắc đường tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân, không phải riêng gì ô tô hay xe máy. "Có thể, người đi ô tô sẽ hạn chế chạy xe vào thành phố, nhưng thay vì thế họ sẽ đi xe máy hoặc uber, grap. Và như vậy, tình trạng tắc đường vẫn tiếp tục tái diễn. Giảm ô tô, tăng xe máy thì Hà Nội vẫn sẽ luôn tắc đường, vì hiện nay phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân" - một chuyên nói.