Không tăng giá điện chỉ là giải pháp tạm thời đảm bảo lạm phát dưới 4%

Bảo Lam 16/07/2018 05:00

Trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đây chỉ là giải pháp tạm thời để đạt mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay.

VEPR cho rằng việc không tăng giá điện chỉ là giải pháp tạm thời đảm bảo lạm phát dưới 4%.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạm phát đang quay trở lại?

    07:29, 07/07/2018

  • Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của 2018 sẽ đạt đựợc?

    03:12, 30/06/2018

  • Rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát cuối năm 2018 là gì?

    05:31, 21/06/2018

  • Không tăng giá điện trong năm 2018

    18:10, 02/06/2018

Nối tiếp xu hướng trong Quý 1, lạm phát tiếp tục gia tăng trong Quý 2/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng Ba lên 4,67% vào tháng Sáu. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017.

Theo đánh giá của VEPR, việc phục hồi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm, dẫn tới việc lạm phát gia tăng. Nhóm này có quyền số lớn trong rổ hàng hóa CPI (36,12%) và đã tăng giá tới 5,1% (yoy) vào tháng Sáu, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. Trong thời gian tới khi giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, hồi phục về mức trước khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái, đóng góp vào CPI của nhóm hàng ăn uống dự kiến sẽ còn lớn hơn.

Các dịch vụ công tiếp tục là nhân tố đóng góp quan trọng cho sự gia tăng CPI trong Quý 2. Việc tất cả các địa phương đã hoàn thành tăng giá dịch vụ y tế với các đối tượng không có thẻ bao hiểm y tế khiến giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng Sáu tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước, riêng dịch vụ y tế tăng 16,73%.

Bên cạnh đó, CPI nhóm hàng giáo dục cũng tăng 6,12% tại thời điểm cuối Quý 2/2018 so với cùng kỳ Quý 2/2017, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,81%.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới không ngừng tăng từ đầu năm 2018, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng theo.

Tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã tăng 13,95% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,59% vào CPI tổng. Trong thời gian tới khi giá nhiên liệu thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho mức tăng CPI chung.

“Trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay. Chúng tôi đánh giá đây chỉ là giải pháp tạm thời để đạt mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay.

Trong khi đó, lạm phát lõi sau khi vọt tăng lên 1,47% vào tháng Hai đã được giữ ổn định ở quanh mức 1,37% tính tới tháng 6/2018. Điều này cho thấy NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng”. – VEPR nhìn nhận.

Bảo Lam