“Nút thắt” của ngành chế biến gỗ
Tuy đã vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam vẫn đang còn nhiều "nút thắt".
7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Vẫn nhiều rào cản
Hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, bao gồm 3.900 doanh nghiệp trong nước và 600 doanh nghiệp FDI với hơn 500.000 lao động. Ngoài ra, còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu.
Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, sản phẩm gỗ và lâm sản Việt nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.
Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 9 tỷ USD. Con số này được cho là khá khả quan. Tuy nhiên ngành gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu.
Lâm sản khai thác từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi đó, chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn mà không phải doanh nghiệp gỗ nào cũng vượt qua được.
“Năm nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường (trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á) để thu mua nguyên liệu…”.
Chung nỗi lo về nguyên liệu, Công ty Hướng Mai (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nên hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao, nhưng lợi nhuận thu được rất thấp.
Hóa giải những nỗi lo
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, DN trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì nguồn nguyên liệu rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ thực sự đã kích thích trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp nguyên liệu cho ngành gỗ
05:33, 11/08/2018
Thủ tướng “đặt hàng” 20 tỷ USD cho ngành gỗ năm 2025
12:42, 08/08/2018
Lần đầu tiên, Thủ tướng chủ trì “hội nghị Diên Hồng” ngành gỗ
09:10, 08/08/2018
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ngành gỗ thêm mối lo
11:00, 20/07/2018
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với ít nhất năm thách thức về nguồn cung nguyên liệu gỗ, đó là thách thức về thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng, cạnh tranh đối với các thương nhân nước ngoài vào thu mua gỗ rừng trồng của Việt Nam, thách thức về chất lượng gỗ rừng trồng trong nước, thách thức về gỗ có chứng chỉ FSC và thách thức về nguồn cung trong tương lai gần.
Tổng thư ký Vifores cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ phải sử dụng tốt các hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những hỗ trợ tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhằm tận dụng những yếu tố như mặt bằng, lao động, nguồn nguyên liệu, vốn liếng…
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, việc loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu "sạch" là nhu cầu cấp bách.
Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng, truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Sài Gòn Furniture đề xuất, Chính phủ cần áp thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra thị trường khác lên 30-35% như các quốc gia trong khu vực để tránh thất thoát nguồn gỗ từ rừng trồng và vườn cao su thanh lý trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cần giống cây trồng rừng chất lượng cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng chất lượng gỗ, thì mới có thể đáp ứng nhu cầu và khai thác tiềm năng của ngành gỗ.