Cần minh bạch để phát triển thị trường đông trùng hạ thảo tại Việt Nam
Chiều 28/8, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: "Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển".
Trong những năm qua, cùng với xu thế phát triển kinh tế đất nước, thu nhập và mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao nên thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam phát triển không ngừng.
ĐTHT được những giáo sư đầu ngành của Việt Nam nghiên cứu thử nghiệm thành công gần một thập niên vừa qua nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm này được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhờ công dụng thực sự của nó mang lại cho sức khỏe cộng đồng. Các công trình nghiên cứu sinh học cho thấy đông trùng hạ thảo đã đem lại những kết quả cao trong quá trình phục hồi sức khỏe, tăng cường miễn dịch, ổn định nhịp tim, cải thiện đường hô hấp,…
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay các thông tin về đông trùng hạ thảo nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn còn “nhập nhằng”, các siêu thị, đại lý phân phối cho thương hiệu đông trùng hạ thảo trong nước còn thưa thớt, những chuỗi cửa hàng phân phối về đông trùng hạ thảo đa phần là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, hàng Việt Nam chưa có “chỗ đứng” trên thị trường, thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa rõ ràng. Đặc biệt niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao, các kênh truyền thông về sản phẩm còn hạn chế khiến ranh giới hiểu biết giữa người sử dụng về các thương hiệu uy tín còn mập mờ khó phân biệt.
Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường đông trùng hạ thảo tại Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều bất cập. Công tác quản lý, sản xuất, phân phối, kiểm định chất lượng khá lỏng lẻo và nhiều hạn chế nên đã dẫn đến thị trường đông trùng hạ thảo phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu nhất quán khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng .
Nhằm chỉ ra những tiềm năng và điều chỉnh những bất cập để thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam phát triển một cách lành mạnh, ổn định trong thời gian tới, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề:
THỊ TRƯỜNG ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO VIỆT NAM – MINH BẠCH VÀ PHÁT TRIỂN
Thời gian: Từ 14h00 - 17h00 thứ Ba ngày 28/ 08/ 2018
Địa điểm: Hội trường 3, Tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội
Tham dự buổi tọa đàm có: Ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng - Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế); GS.TS. Phạm Hưng Củng - Nguyên vụ trưởng vụ Y Học Cổ Truyền – Bộ Y tế; TS. Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NNPTNT); TS. Trần Lập Công - Thầy thuốc ưu tú, Bs chuyên khoa 2, Viện Y học cổ truyền Quân đội; PGS, Tiến sĩ. Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nấm linh chi, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện đơn vị tổ chức.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện đơn vị tổ chức
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, đông trùng hạ thảo là một trong những sản phẩm tiêu dùng có tính bổ dưỡng và giá trị cao. Tuy có giá trị cao như vậy nhưng thời gian qua, hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm này con nhiều hạn chế.
Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn để người tiêu dùng biết nhiều hơn tới tác dụng cũng như các thương hiệu sản phẩm đông trùng hạ thảo. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của các nhà khoa học, thì cần sự chung tay của chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đặt câu hỏi với các chuyên gia, nhà khoa học về công dụng của sản phẩm đông trùng hạ thảo với sức khoẻ người tiêu dùng, ông Dũng đặt vấn đề: "Xin các chuyên gia cho biết, dư luận đang nói đến hàm lượng dinh dưỡng cao của đông trùng hạ thảo, vậy công dụng của sản phẩm đông trùng hạ thảo cụ thể là gì?"
PGS, Tiến sĩ. Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nấm linh chi, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết, hiện nay có những tranh luận có phải là đông trùng hạ thảo hay là nhộng trùng thảo.
Theo quan điểm cá nhân, trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau. Đông trùng hạ thảo cũng như vậy, là giống cordiceps và nhiều loại cordiceps simensips, cordiceps militaris là hai loại được trồng nhiều nhất trên thế giới và Việt Nam.
Trên thế giới các đông trùng hạ thảo có giống cordiceps simensips lấy chọn ở ngoài thiên nhiên là chính. Trung Quốc là quốc gia có nhiều loài này và cũng được nhiều người mua và sử dụng.
Cordiceps simensips cũng là loài nuôi trồng từ năm 1883, trước cordiceps simensips.
Theo ý kiến các chuyên gia, có nhiều loài đông trùng hạ thảo khác nhau, tùy thuộc vào cách gọi của các quốc gia. Việt Nam gọi là đông trùng hạ thảo cũng là cách gọi đúng. Đặc biệt loại militaris cũng được nghiên cứu ra nhiều loại chất có giá trị dinh dưỡng cao.
Các viện công nghệ sinh học Hàn đã chứng minh đông trùng hạ thảo militaris chất dinh dưỡng nhiều hơn simensips. Vậy tại thị trường Việt Nam, cordiceps militaris được nuôi trồng nhiều ở Việt Nam có thể vẫn được gọi. Và vẫn có ý kiến của những các nhà khoa học không đồng ý với điều này.
Tuy nhiên, có loại đông trùng hạ thảo cordiceps nhưng không sử dụng được. Theo PGS, Tiến sĩ. Nguyễn Thị Chính, hai chủng loại đông trùng hạ thảo thế giới và Việt Nam vẫn đang nuôi trồng và cung cấp ra thị trường vẫn bảo đảm và yên tâm sử dụng với công dụng đa dạng, giá trị.
TS. Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NNPTNT)
Theo quan điểm của TS. Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NNPTNT), hiện nay đang có nhiều cách gọi khác nhau về về sản phẩm này. Trong đó phổ biến là các cách gọi như đông trùng hạ thảo tại Việt Nam, Hàn Quốc, nhộng trùng thảo tại Trung Quốc và cách gọi bông tuyết tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Nhạ có lẽ không phải bàn nhiều về tên gọi. Vì phần lớn ở các nước có ngành công nghiệp sản xuất sản phầm này phát triển thì đều gọi là đông trùng hạ thảo.
Tại Việt Nam cách gọi đông trùng hạ thảo các nhà khoa học đặt tên thường dựa trên hình thái phát triển tự nhiên của loài.
Ngoài ra, liên quan đến yếu tố dinh dưỡng, TS Phạm Văn Nhạ cho rằng, hiện nay hoạt động khai thác đông trùng hạ thảo đang có 2 nguồn đó là tự nhiên và nuôi cấy. Khó có thể so sánh về chất lượng của hai nguồn này, bởi chất dược dưỡng trong đông trùng hạ thảo phụ thuộc rất nhiều vào cách sơ chế và bảo quản sản phẩm.
Cụ thể, sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không đảm bảo ở nhiệt độ -50oC hoặc cách bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết.
Có mặt tại buổi tọa đàm, TS. Trần Lập Công - Thầy thuốc ưu tú, Bs chuyên khoa 2, Viện Y học cổ truyền Quân đội nhấn mạnh, đông trùng hạ thảo có công dụng tốt nhưng còn hạn chế. Hiện nay, đông trùng hạ thảo dùng cho bênh nhân rất hạn chế, dù công dụng tốt.
Nguyên nhân của tình trạng này theo bác sĩ Trần Lập Công, một phần xuất phát từ yếu tố giá thành, bởi giá thành của đông trùng hạ thảo trên thị trường ở thời điểm hiện tại khá đắt.
Thêm vào đó, theo quy định, tại bênh viện, những thực phẩm chức năng như đông trùng hạ thảo lại chưa được đưa vào điều trị trong bệnh viện, thực phẩm chức năng chỉ được dùng chứ không được kê đơn. "Là bác sĩ, bản thân tôi biết công dụng của đông trùng hạ thảo rất tốt nhưng tôi chỉ phổ biến cho bênh nhân dùng chứ chúng tôi không được phép kê đơn cho bênh nhân". - Bác sĩ Công nói.
Ông cho biết, trên thực tế, chưa có loại thực phẩm chức năng nào được nghiên cứu sâu như đông trùng hạ thảo, theo thống kê hiện tại có hơn 600 nghiên cứu về đông trùng hạ thảo. Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng đông trùng hạ thảo có thể ức chế ung thư, chống mỡ máu, nhưng đáng tiếc, chúng không được phổ cập.
Vì vậy, ông Công mong muốn đông trùng hạ thảo đến tay người bệnh với giá thành phù hợp. “Bởi hiện, giờ vẫn chúng tôi vẫn phải nhập của Trung Quốc cho người dân bằng con đường không chính ngạch. Thậm chí, nhiều khi không sang nhập được, tôi phải sang tận tận Trung Quốc để mua. Do đó, nên hiện nay nếu tại Việt Nam có đông trùng hạ thảomà có có thể phổ biến cho bệnh nhân là rất quý”, ông Công nói.
Ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng - Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng - Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trước hết về đông trùng hạ thảo như các chuyên gia đã nói có thể từ vài chủng nấm để đưa ra sản phẩm. Nhưng thực sự quản lý sản phẩm này, đặt một cái tên theo đúng quy định của Nhà nước, thì phải thể hiện đúng tính chất của sản phẩm.
Về cái tên đông trùng hạ thảo, dân gian tạm vì mùa đông là con đông trùng ngọ nguậy còn mùa hè là cây nấm mọc ra quanh thân cây (hạ thảo). Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có nhiều cơ sở nuôi dạng nấm hoàn toàn nhưng không có nhộng trùng đó mà chỉ đơn thuần là nấm.
Về công bố sản phẩm, bao giờ cũng có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng adenosin và cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có cái mà gọi là đông trùng hạ thảo hay không. Có rồi và có bao nhiêu thì được gọi là đông trùng hạ thảo?
Ông Giang cho biết, "câu chuyện xác định đó hiện còn gặp khó khăn. Vì theo Việt Nam hiện chưa có quy định về hàm lượng nhộng trùng. Có ý kiến là 1% với những nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng. Tuy nhiên, chúng tôi tham khảo tiêu chuẩn của Trung Quốc lại cho là nhỏ hơn 10 lần. Do đó có sự khác biết trong xác định hàm lượng giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc".
"Vậy bỏ bao nhiêu hàm lượng để được xác định là đông trùng hạ thảo? Tương tự câu chuyện bát mỳ nhỏ được vẽ và quảng cáo trong tô rất to, đông trùng hạ thảo bao nhiêu thì được vẽ cả bó to đùng trên nhãn sản phẩm?" Ông Giang đặt vấn đề, đồng thời cho biết, Việt Nam hiện chưa có quy định có tính chất pháp lý về hàm lượng nhộng trùng nên chưa đủ cơ sở xác định từng loại sản phẩm thế nào là đông trùng hạ thảo. Việc dự vào chỉ số adenosin cũng có thể bị lẫn với các loại nấm tại Việt Nam. Do đó, cần có sự phân biệt đông trùng hạ thảo loại A, loại B để phân biệt hàm lượng trong từng loại để đưa ra cái tên cho đông trùng hạ thảo.
GS.TS. Phạm Hưng Củng - Nguyên vụ trưởng vụ Y Học Cổ Truyền – Bộ y tế
Tại buổi tọa đàm, GS.TS. Phạm Hưng Củng - Nguyên vụ trưởng vụ Y Học Cổ Truyền – Bộ Y tế cho biết, đông trùng hạ thảo là sản phẩm rất được quan tâm tại Việt Nam và thế giới, được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu.
Theo ông Củng, nhận định về việc quản lý sản xuất, kinh doanh lỏng lẻo là chưa chính xác. "Việc các doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đông trùng hạ thảo là rất khó và chặt chẽ, đặc biệt là yêu cầu về kiểm nghiệm hàm lượng adenosin trong sản phẩm là bao nhiêu thì khi đó mới được cấp phép". - ông Củng nói.
Hiện tại, tên gọi đông trùng hạ thảo cũng có nhiều tranh cãi. Theo công bố các nhà khoa học trên thế giới, bản chất đông trùng hạ thảo là một loại nấm, thì cần bàn xét về chủng nấm đó là gì?
Theo thống kê của các nhà khoa học hiện có hơn 500 loài, có loài được xếp loại chất lượng, nhưng có loại không có nhiều hàm lượng dinh dưỡng... Đặc biệt, có 2 loài được nghiên cứu kĩ là cordiceps simensips và militaris có hoạt chất tương đồng nhau. Đặc biệt hai loại này có hoạt chất sinh học có chất lượng tốt cho sức khỏa và chỉ nên tập trung vào hai loại này.
Bên cạnh đó, tên gọi đông trùng hạ thảo là do việc quan sát hiện tượng đã có từ rất lâu, mà không chú trọng vào bản chất. Do vậy, với hai loại cordiceps sinensips được thu hoạch tại vùng núi cao có hàm lượng tương đương như loại minitaris được nuôi trồng có thể gọi chung tên cũng không sai do nội hàm gần như tương đương.
"Quan trọng hơn, cần tập trung vào hai mục tiêu chính, vì sức khỏe của người dân và làm người dân hiểu được công dụng của đông trùng hạ thảo để bảo vệ sức khỏe và tạo cho doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm đông trùng hạ thảo, Không nên cản trở làm khó doanh nghiệp và vẫn đảm bảo tính trung thực. Do vậy, tôi cho rằng, không nên câu nệ về tên gọi, nếu các sản phẩm vẫn mang hàm lượng hoạt chất tương đồng nhau". - Ông Củng nhấn mạnh.
Bác sĩ Hà Văn Khánh – Giám đốc công ty TNHH thảo dược Tam Đảo
Nói đến đông trùng hạ thảo hiện nay, phần lớn quan niệm hiện nay cho rằng, đông trùng hạ thảo có nguồn gốc là từ Tây Tạng, Trung Quốc, và có giá rất cao, giao động từ 1-2 tỷ/kg. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đáng nói, mặc dù là sản phẩm đông trùng hạ thảo nhập khẩu song khi kiểm nghiệm thì có chất lượng dược dưỡng không cao.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp tại toạ đàm, có khoảng 70% các sản phẩm động trùng ha thảo trên thị trường là hảng giả, hàng kém chất lượng. Điều này cho thấy, đâu đó vẫn còn những “lỗ hổng” trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng.
Bác sĩ Hà Văn Khánh – Giám đốc công ty TNHH thảo dược Tam Đảo cho rằng, thống nhất nên gọi tên là đông trùng hạ thảo, dựa theo tiêu chí đánh giá hàm lượng dược chất chính đã được quy định.
Theo bác sĩ Hà Văn Khánh, việc thống nhất được tên gọi là rất quan trọng. Bởi cái tên chính là khởi nguồn cho mọi việc đánh giá sau này.
Vì vậy, bác sĩ Hà Văn Khánh đặt câu hỏi, việc phân loại giống đông trùng hạ thảo hiện nay nên xác định rằng Việt Nam đã trồng được chủng loại nào, sinensis hay là militaris? Ngoài ra, việc xác định được nguồn gốc xuất sứ giống cũng quan trọng không kém để đảm bảo nguồn gen có bị đột biến hay không? Theo đó, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm đông trùng hạ thảo như thế nào? Nên đánh giá theo tiêu chí an toàn thực phẩm của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm hay không?Cơ quan nào đảm đương được vai trò kiểm nghiệm chất lượng này?
Bác sĩ Hà Văn Khánh đề xuất, việc kiểm nghiệm chất lượng đông trùng hạ thảo này nên được kiểm soát một cách công tâm, minh bạch để đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, phát biểu của bác sĩ Hà Văn Khánh cho thấy việc đặt thương hiệu của doanh nghiệp Tam Đảo đã nhận diện cho người dùng rằng sản phẩm được sản xuất tại Tam Đảo. Ông Khánh cũng đề nghị nhà nước cần có chính sách cởi mở hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đông trùng hạ thảo.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cho biết, với 2 dòng sản phẩm nhộng tằm sống và nhộng tằm say đã kinh doanh trên thị trường 7-8 năm, hiện có sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa các loại đông trùng hạ thảo là đông trùng hạ thảo tự nhiên và đông trùng hạ thảo đang nuôi ở Việt Nam. Nguyên nhân do đông trùng hạ thảo tự nhiên Cordyceps sinensis là loài đặc biệt, được khai thác từ trên loài sâu 8 chân, chỉ có ở tự nhiên, muốn nuôi, muốn khai thác thêm cũng không được. Do hiếm nên giá thành rất cao.
Trong khi đó, chủng Cordyceps militaris có thể nuôi trồng được tại Việt Nam, chất lượng không thấp hơn, nhưng do nuôi trồng được giá lại thấp hơn.
Vẫn theo bà Hồng, khi đi tìm đỉnh Fan có 10 chủng đông trùng hạ thảo mỗi chủng có hoạt chất và tác dụng riêng. Do đó, khi sản xuất, các doanh nghiệp trồng đông trùng hạ thảo luôn kiểm soát chất lượng theo từng lô hàng, theo từng tuần, từng tháng. Trước hết kiểm soát phục vụ tự bản thân doanh nghiệp vì có giấy kiểm tra chất lượng thì đối tác mới nhập hàng.
"Doanh nghiệp mong muốn được Bộ Y tế cấp phiếu đủ điều kiện sản xuất và đủ điều kiện ra thị trường nên được tiến hành nhanh hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp". - bà Hồng bày tỏ.
PGS, Tiến sĩ. Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nấm linh chi, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết, để đi đến môi trường minh bạch và đông trùng hạ thảo có thể phát triển mạnh hơn cần so sánh cho đúng. Loại cordyceps simensips kí sinh lên ấu trùng sâu sẽ mọc loại nấm màu xanh rất nhỏ. Từ những kết quả nghiên cứu cho thấy loại này không thể khai thác được nhiều.
Hiện nay ở một số nơi tại Việt Nam hoặc Trung Quốc làm giả rất nhiều, thậm chí người Trung Quốc không thể phân biệt được. Thực chất, loại đó chỉ có 1 mẩu nấm ở trên và ở dưới là con sâu. Do đó không thể so sánh với loại militaris trồng trong môi trường tổng hợp.
Loại cordyceps militaris cũng có loại màu đỏ đẹp do có policentins nhiều, còn loại màu cà rốt do hàm lượng policentins ít. Vậy, việc phân biệt căn cứ vào hàm lượng policentins và một số loại hợp chất khác. Do đó, Bộ Y tế nên dựa vào đánh giá phân tích thành phần đó là chủ yếu. Loại cordyceps simensip hiện đang bị làm giả nhiều nên có nhiều giá thành là có thật. Cordyceps simensips làm giả bằng thạch cao cũng nhiều. Và có loại cordyceps militaris ở Trung Quốc đang được bán vô cùng rẻ, 1 số doanh nghiệp đã mua của Trung Quốc mua mấy triệu 1 kg về bán giá cao hơn, có màu nhờ nhờ không đỏ và đó là không minh bạch.
Do vậy, cần phải dựa vào nghiên cứu sản phẩm nào cho hoạt chất sinh học cao, nuôi trong môi trường chất lượng và các phân tích thành phần chủ đạo để đánh giá.
Ở góc độ người tiêu dùng các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, cần phải đánh giá một cách minh bạch, công khai chất lượng động trùng hạ thảo. Theo TS. Trần Lập Công - Thầy thuốc ưu tú, Bs chuyên khoa 2, Viện Y học cổ truyền Quân đội, để người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng sản phẩm đông trùng hạ thảo, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư việc tự kiểm định chất lượng. Bản thân doanh nghiệp có chủ động đánh giá chất lượng sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới nhìn vào đó để tin và dùng sản phẩm này được.
TS. Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện bảo vệ thực phẩm – Bộ NNPTNT)
Đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Văn Nhạ cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp có thể lựa chọn được chủng nấm tốt, tuy nghiên quá trình nuôi cấy, môi trường không tốt, thì sản phẩm chất lượng cuối cùng cũng không thể tốt.
Hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại song song hai loại sản phẩm đông trùng hạ thảo đó là thật và giả. Để xảy ra tình trạng này chính là do một nhóm doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không có lương tâm, khi sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi kiểm nghiệm chất lượng, chỉ số về thành phần tinh chất chính có thể lên tới hơn 10mg thì chứng tỏ sản phẩm đó có vấn đề.
Bác sĩ Hà Văn Khánh cho biết, việc thực hiện việc sản xuất dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo phải theo quy trình, đầu tiên là nuôi trồng thế nào, công nghệ thế nào, kiểm nghiệm và lưu hành trên thị trường rồi sau đó mới đến dịch vụ và giá cả. "Chúng tôi phải làm tốt tất cả các khâu thì mới có thể mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm tốt" - ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết, sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty ông được đặt tên luôn là đông trùng hạ thảo Tam Đảo. “Chúng tôi đăng ký nhãn hiệu bảo hộ như vậy luôn, điều này sẽ giúp tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của chúng tôi. Nhưng thực ra, khi tôi đăng ký với Bộ Kế hoạch-Đầu tư ghi sản xuất đông trùng hạ thảo ghi là không vào hạng mục nào, nếu bộ ghi như thế thì chúng tôi xuất khẩu làm sao?”, ông Khánh đặt câu hỏi.
Tiếp theo, ông Khánh lấy ví dụ về sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo. Ông kể, thực ra, có một số khách hàng Trung Quốc rất thích sản phẩm của công ty ông nhưng quá trình hợp tác của ông với doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn. “Họ đến và tham quan rồi đem về nước họ kiểm nghiệm sau đó họ quay lại hợp tác với chúng tôi nhưng lúc xuất khẩu xin giấy phép cực khó khăn, rồi khi xin giấy phép lại không có, không hiểu rượu đông trùng hạ thảo phải đăng ký thế nào?”, ông Khánh nói
Vì vậy, ông Khánh đề nghị cần một chính sách hỗ trợ để đông trùng hạ thảo của Việt Nam có thể phát triển tốt và vươn ra thị trường thế giới. “Thị trường Việt Nam giờ gần như bão hòa, nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Vì vây, cần chính sách làm sao để doanh nghiệp phát triển và phục vụ tốt mới là điều quan trọng”, ông Khánh nói.
GS.TS. Phạm Hưng Củng
Nói thêm về vấn đề này, GS.TS. Phạm Hưng Củng cho rằng, qua thực tiễn, các doanh nghiệp có sản phẩm công bố hoặc xác nhận công bố của Bộ Y tế làm ăn rất chuẩn. Trước hết là bảo vệ uy tín bản thân doanh nghiệp. Đồng thời đặt cái tâm vào sản xuất kinh doanh. Họ đầu tư không ít, những đơn vị làm ăn chân chính này tìm tòi đưa ra được những sản phẩm có chủng tốt có khi nằm hàng tháng trời ở Sapa. Hiện nay, đông trùng hạ thảo của các doanh nghiệp Việt Nam có hàm lượng tương đối tốt.
Ông Củng khẳng định, còn con số 70% doanh nghiệp hoạt động “lôm côm” là chưa có căn cứ, cần có khảo sát tập hợp lại xem thị trường Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất, bao nhiêu doanh nghiệp có đủ điều kiện, được công bố cho sản xuất và công bố có đủ nội hàm? Phải hậu kiểm, kiểm tra mẫu sản phẩm xem hàm lượng adenosin có đúng như công bố.
Phản hồi về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, ban tổ chức đưa ra con số về các doanh nghiệp thiếu minh bạch trong thị trường đông trùng hạ thảo là có căn cứ, tỉ lệ người Việt Nam bỏ ra mua còn khá ít, một phần vì giá cả cao cùng với đó thiếu thông tin khiến chưa có lòng tin người tiêu dùng.
Cùng với đó, số doanh nghiệp sản xuất uy tín còn đếm trên đầu ngón tay. Số doanh nghiệp thiếu minh bạch còn rất lớn, cạnh tranh mức bán chỉ 3,5 triệu đồng/kg. Thêm vào đó, hàm lượng cao bất thường trong sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng cho thấy thị trường phát triển còn khá lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nói về giải pháp kiểm soát thị trường, bác sĩ Hà Văn Khánh cho rằng, trên thực tế vẫn có nhiều vấn đề cần bàn thảo. Tuy nhiên, muốn kiểm soát thị trường phải có cơ quan chức năng, những chính sách, chế tài tốt để quản lý. Do hiện tại vẫn chưa có nên việc kiểm soát đang rơi vào tình trạng khó khăn.
Thực tế, với cơ chế thị trường kinh tế mở, sắp tới là nền kinh tế với những ứng dụng thành quả của công nghệ 4.0... công việc quản lý thuộc về các nhà quản lý, chính sách cần đảm bảo, hoàn thiện mới khắc phục tình trạng lộn xộn như bây giờ.
Hiện tại vẫn còn tình trạng lộn xộn từ giống, công nghệ... cho đến chính sách xuất nhập khẩu là những thứ chúng ta không kiểm soát được. Những vấn đề đó đã làm nên sự hỗn độn như hiện nay. Do vậy, cần có những chính sách của chính phủ về công tác quản lý, có bộ máy thư ký tốt đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phúc Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Phúc Thành An Group
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phúc Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Phúc Thành An Group đưa ra quan điểm về đông trùng hạ thảo giả và nhái.
"Thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam hiện nay có nhiều hàng kém chất lượng, tôi không muốn nói là giả, người tiêu dùng cần lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất có địa chỉ rõ ràng, có giấy phép, có uy tín trên thị trường để mua cho mình những sản phẩm có chất lượng...
"Đông trùng hạ thảo Phúc Thành An luôn lấy chữ Phúc làm trọng, luôn xác định chất lượng sản phẩm là sự trường tồn của mình, đây là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người vậy cần đặt chữ tâm chữ Phúc trong từng sản phẩm". - ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết, hiện nay Phúc Thành An đã liên kết với các Viện lớn của Việt Nam để nghiên cứu các đề tài khoa học mang tính chất thuyết phục hơn bằng cách trước khi sử dụng sản phẩm đông trùng hạ thảo của Phúc Thành An người bệnh được khám sức khỏe tổng thể. Và sau khi dùng được 3 tháng được khám sức khỏe lại và đưa ra so sánh kết quả, làm được như vậy sẽ thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam!.
Hiện nay hội đồng khoa học của Phúc Thành An đã kết hợp đông trùng hạ thảo với các dược liệu quý, tạo ra sản phẩm mang tính chất hỗ trợ điều trị cao, ví dụ như trường hợp bác Phạm Hồng Toanh ở Vĩnh Yên, bác bị ung thư phổi, dùng sản phẩm của Phúc Thành An gần 3 năm nay, hiện sức khỏe của bác vẫn tốt.
Theo nghị định 15 của Chính phủ, đến tháng 7/2019 các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng phải đat chuẩn GMP. Theo cục trưởng cục an toàn thực phẩm Bộ y tế, hiện nay toàn quốc có khoảng 4.000 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, nếu áp dụng đạt chuẩn GMP thì chỉ còn 300 doanh nghiệp, đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Ở góc độ khác, ông Đinh Văn Thái - Trưởng ban hợp tác Quốc tế, Trung ương hội giao dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam khẳng định: Đông trùng hạ thảo là sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, khó lấy, hiếm và có giá thành đắt đỏ nên xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái rất nhiều. Chính vì vậy vấn đề quản lý chất lượng là một trong những vấn đề quan trọng.
Ông Thái kể chuyện, ông có người quen biếu cả “cái gốc” đông trùng hạ thảo nhưng ông uống và thấy chất lượng… không ra gì.
“Vậy ở đây, chúng ta làm nhân tạo, thì biết kiểm nghiệm chất lượng thế nào, làm sao để xác định các sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng? Tôi cho rằng cơ quan Nhà nước cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn để kiểm nghiệm sản phẩm để doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh có cơ sở kiểm nghiệm làm để người tiêu dùng yên tâm”, ông Thái đề xuất.
Để hoạt động quản lý được minh bạch và đảm bảo, GS. Phạm Hưng Củng cho rằng, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước có trăm tay nhìn mắt tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp không tự mình làm ăn chân chính thì thị trường vẫn không thể có những sẩn phẩm chất lượng và tốt.
Theo đó, GS. Phạm Hưng Củng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động minh bạch thông tin về chủng, giống, quá trình nuôi trồng, muôi trường nuôi trồng phải đạt chuẩn. Tuy nhiên có một thực trạng đó là, vẫn tồn tại những doanh nghiệp không ý thức hậu quả của việc đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
"Điều quan trọng là môi trường đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất đông trùng hạ thảo vẫn theo hướng cở mở, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Cùng đó nhà nước mong muốn doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trung thực và minh bạch. Đây mới là gốc rễ vấn đề của việc minh bạch cho thị trường đông trùng hạ thảo". - ông Củng nói.
Theo ông Củng, có 5 việc cần minh bạch. Thứ nhất, minh bạch nuôi trồng có chủng, loại, có nguyên sinh thì coi là đông trùng hạ thảo. Thứ hai, minh bạch chứng nhận kiểm nghiệm hàm lượng adenosin. Thứ ba, minh bạch tên. Thứ tư minh bạch công bố sản phẩm theo ATTP đã yêu cầu. Thứ năm, minh bạch giá.
"Hiện có hai loại là hàng hoá nhà nước kiểm soát giá và loại hàng hoá nhà nước không quản lý, do thị trường điều tiết. Hiện Bộ Công Thương chưa đưa vào sản phẩm do nhà nước điều tiết giá thì cần để cho thị trường điều tiết". - ông Củng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Giang lưu ý, hiện nay, trong quy định của chúng ta đã quy định rõ về việc ghi tên sản phẩm và sản phẩm đã được kiểm nghiệm chất lượng hay chưa? Ngoài ra, theo ông Giang có một điều khó là có thể hình ảnh quảng bá ở bên ngoài bao bì sản phẩm nhìn có thể nhiều hơn so với khối lượng tịnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Hưng chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp, nhà sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy quy định doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đạt tiêu chuẩn GMP theo NĐ 15/2018/NĐ-CP về An toàn thực phẩm khiến doanh nghiệp chưa kịp “trở tay” khi chỉ còn khoảng 9 tháng nữa là đến hạn doanh nghiệp phải đạt chuẩn.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Phúc Hưng, bà Nguyễn Thị Hồng kiến nghị các cơ quan truyền thông nên đưa tin để người tiêu dùng hiểu được đông trùng hạ thảo là gì? Lợi ích của sản phẩm này và gồm bao nhiêu loại. Như vậy là được.
Ngoài ra, bà Hồng cũng đề xuất các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp nên được sớm và nhanh hơn để doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội xuất khẩu.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng cho biết, chúng ta đã đi qua một quãng thời gian khá dài, tuy vẫn còn nhiều vấn đề còn tranh cãi và vướng mắc, nhưng có một số vấn đề được đưa làm rõ phần nào trong buổi tọa đàm hôm nay.
Thứ nhất, về tên gọi, mặc dù còn những tranh luận về việc đưa ra một cách gọi chính thức, tuy nhiên người tiêu dùng đã có những thông tin và và những hình dung bước đầu về đông trùng hạ thảo; về nguồn gốc xuất xử, về lý do vì sao giá cả chênh lệch do hàm lượng giá trị dinh dưỡng khác nhau... Đây cũng là vấn đề người tiêu dùng rất quan tâm.
"Qua hội thảo, một số vấn đề về chủng loại đông trùng hạ thảo, giá trị sử dụng đã minh bạch. Tuy nhiên để thị trường phát triển, cần sự liên kết của ba nhà, nhà quản lý cần đưa ra quy định tiêu chuẩn rõ ràng, thông thoáng để doanh nghiệp được phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn và chất lượng hơn.
Về phía doanh nghiệp cần cung cấp nhiều thông tin cho báo chí về các thông tin liên quan và phía các cơ quan báo chí cũng cần giúp đỡ trên cơ sở các thông tin do doanh nghiệp cung cấp, có sự kiểm chứng và xác thực.
Đồng thời bàn thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao trình độ kiến thức về thị trường đông trùng hạ thảo". - ông Dũng nói.
"Trong tương lai, báo Diễn đàn Doanh nghiệp hy vọng sẽ tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm về các vấn đề kinh tế, đặc biệt là về đông trùng hạ thảo để bàn riêng về các vấn đề cụ thể còn vướng mắc được đặt ra hôm nay như về cơ chế chính sách, hoặc kỹ thuật..." - ông Dũng thông tin thêm.