Hà Nội: Lấy lại lòng tin người tiêu dùng với thực phẩm an toàn

Khắc Lãng 15/09/2018 11:20

Khảo sát của VECO VN cho thấy, thiếu niềm tin vào quy trình chứng nhận rau an toàn và người bán là vấn đề chính cản trở việc phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn .

Tại “Diễn đàn kinh doanh nông sản, Rau an toàn trên địa bàn TP HN năm 2018” do Trung tâm Xúc tiến ĐT, TM, DL TP HN (HPA) vừa tổ chức, bà Chiyo Mamiya, chuyên gia dự án JICA dẫn chứng khảo sát của VECO VN về thói quen mua hàng, mối quan tâm và ưu tiên của người mua rau tại HN. Theo đó, nghiên cứu cho thấy, 97,5% người quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, 67,5% cực kỳ quan ngại về vấn đề này.

p/Các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại “Diễn đàn kinh doanh nông sản, Rau an toàn trên địa bàn TP HN năm 2018” do HPA vừa tổ chức.

Các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại “Diễn đàn kinh doanh nông sản, Rau an toàn trên địa bàn TP HN năm 2018” do HPA vừa tổ chức.

Người tiêu dùng mất lòng tin vào chứng nhận rau an toàn

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, việc thiếu niềm tin vào quy trình chứng nhận rau an toàn và người bán là vấn đề chính cản trở việc phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn.

Minh chứng, 40% người tiêu dùng thiếu niềm tin vào quy trình chứng nhận rau an toàn, 80% hoàn toàn không tin tưởng quy trình chứng nhận thực phẩm an toàn. Chỉ 2% người tiêu dùng cho rằng họ rất tin tưởng các chứng nhận thực phẩm an toàn; 50% khá tin tưởng. Do đó, có gần 30% người tiêu dùng tự trồng rau tại nhà.
Lý do là họ lo ngại về an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc nông dân lạm dụng thuốc hoá học, cũng như họ mất lòng tin vào hệ thống kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm của hệ thống chính quyền.

Áp lực giám sát từ nhà nước và người tiêu dùng

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thực phẩm sạch, an toàn tại Nhật Bản, ông Nanakubo Mítsuru - Trưởng nhóm tư vấn dự án JICA Safe Crop (dự án tăng cường độ tin cậy trong sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc) bộc bạch, 20 năm trước Nhật Bản gặp nhiều vấn đền về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Sau các vướng mắc đó, chính phủ xây dựng VietGap và nhóm sản xuất thực hiện theo nên mới đạt được kết quả như ngày nay”.
Phân tích rõ hơn, bà Chiyo Mamiya cho hay, Chính phủ đưa ra các quy tắc và quy định về tồn dư hóa chất nông nghiệp và thực hiện giám sát thường xuyên. Đồng thời, Chính phủ cung cấp thông tin và xử phạt đối với người sản xuất, như dừng việc bán hàng nếu phát hiện việc sử dụng hóa chất nông nghiệp bất hợp pháp. “Với việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định, người sản xuất và thương lái có nghĩa vụ tuân thủ theo quy định vì vi phạm các quy tắc này rủi ro sẽ rất cao”, bà Chiyo Mamiya nhấn mạnh.

  Chính phủ cần đưa ra các quy tắc và quy định về tồn dư hóa chất nông nghiệp và thực hiện giám sát thường xuyên.

“Mặt khác, áp lực giám sát từ 2 phía (Chính phủ, người tiêu dùng) sẽ khiến người sản xuất, thương lái phải có trách nhiệm hơn và vấn đề an toàn thực phẩm từ đó cũng được cải thiện”, bà Chiyo Mamiya chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản HN cho rằng, để đảm bảo thực phẩm an toàn các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ từ quy trình VietGAP đến tiêu thụ sản phẩm qua sự phối hợp giữa các Sở NN & PTNT HN và các tỉnh.

Với vai trò là cánh tay nối dài của Thành phố, bà đỡ kết nối từ người sản xuất đến người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Mai Anh, PGĐ HPA cho rằng, để giải bài toán nghi ngờ thực phẩm an toàn, HPA đã ra chuyên trang Nông sản an toàn HN. “Trang web sẽ tăng cường hiệu quả sự quản lý của nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức và thói quen sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm sạch.

Ngoài ra là công cụ kiểm soát của người tiêu dùng qua truy xuất lại nguồn gốc sản phẩm, tìm được các nhà sản xuất, những thông tin từ nhà sản xuất rau có thực sự an toàn hay không cũng như các mức độ khác nhau của giấy chứng nhận sản phẩm an toàn” bà Mai Anh khẳng định.

Khắc Lãng