Tiêu thụ thép đối diện nhiều khó khăn
Tình hình sản xuất và tiêu thụ thép đang gặp nhiều khó khăn vì thị trường và các vụ kiện ngành thép liên tục gia tăng với cường độ lớn.
Theo Bộ Công Thương, thị trường thép xây dựng nội địa tháng 8 tiếp tục trầm lắng do nhu cầu chưa phục hồi, sản lượng tiêu thụ chỉ tập trung vào những công trình đang dở dang. Nhu cầu xây dựng trong nước chưa cải thiện do tháng 8 trùng với tháng 7 âm lịch, thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi cho việc khởi công các dự án mới.
Có thể bạn quan tâm
Liên tiếp bị kiện, thép Việt phải làm gì? (Kỳ 1): Lỗi tại... chủ nghĩa bảo hộ?
02:31, 21/09/2018
Ngành thép Việt Nam: làm gì để biến thách thức thành cơ hội?
10:17, 18/09/2018
Tuy nhiên, sản xuất của ngành vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, lượng sắt thép thô tăng 37,6%; thép cán tăng 6,1%; thép thanh, thép góc tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy, cùng với việc tăng trưởng sản xuất, lượng hàng sắt thép bán ra trong tháng 8 đạt 210.384 tấn, tăng 10,84% so với tháng trước, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2017.
Riêng xuất khẩu (XK), trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK sắt thép tăng mạnh gần 41% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,05 triệu tấn, tương đương 2,99 tỷ USD. Khu vực ASEAN vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam.
Dù sản xuất và tiêu thụ tương đối khả quan, VSA vẫn lo ngại vì doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu.
Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Tốc độ tăng chóng mặt các vụ kiện (1 tháng 8 vụ, 7 thị trường khởi kiện) khiến các doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng.
Đơn cử, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn. EU áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với 3 sản phẩm thép của Việt Nam. Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) cũng đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm ống thép hàn cacbon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra CBPG đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam…
Dù theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều tất yếu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới nhưng việc các thị trường quen thuộc trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia… cũng khởi xướng các vụ kiện là thực trạng đáng lo ngại đối với thép Việt.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA khẳng định: “VSA sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các DN để thông tin về thị trường và đề nghị Bộ Công Thương sử dụng mạnh hơn công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa”.
Chính vì thế, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào. Ngành công nghiệp thép trong nước phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.