JICA giúp người tiêu dùng Việt Nam nâng cao nhận thức về nông sản an toàn
Dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc Việt Nam” do JICA hỗ trợ giúp người tiêu dùng nhận thức về nông sản an toàn.
Theo bà Mamiya Chiyo, đồng trưởng nhóm tư vấn, chuyên gia thị trường dự án Jica thì, bằng việc xây dựng chuỗi giá trị tin cậy cho rau an toàn chất lượng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ sẽ khắc phục việc người tiêu dùng Việt Nam thiếu niềm tin vào thực phẩm an toàn, quy trình chứng nhận rau an toàn cũng như người bán. Các nhà sản xuất rau an toàn nhỏ lẻ đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm người mua tin cậy...
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp thành công với giấc mơ làm nông sản sạch ở tỉnh nghèo
04:06, 19/09/2018
nongsanantoanhanoi.gov.vn: Nơi truy xuất nông sản sạch, an toàn
11:07, 29/08/2018
Từ anh nông dân trở thành ông chủ xuất khẩu nông sản sạch
07:29, 17/08/2018
"Bắt tay" tiêu thụ nông sản sạch
14:53, 25/06/2018
Uy tín của Vingroup sẽ tạo niềm tin cho nông sản sạch
10:35, 26/12/2016
Chuyển hóa giấc mơ nông sản sạch cho người tiêu dùng Việt
16:50, 22/12/2016
Nông dân ‘bắt tay’ doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch
16:38, 14/12/2016
- Bà có thể cho biết cụ thể hơn về dự án?
Dự án được thực hiện thí điểm tại Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên và Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ tháng 7/2016 - tháng 6/2021). Trong dự án của chúng tôi có 3 hợp phần chính là sản xuất, thị trường và truyền thông nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về rau an toàn. Đối với hợp phần về sản xuất thì chúng tôi thực hiện cho các nhóm sản xuất ở tại các tỉnh thí điểm đó là Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam.
Đối với hoạt động kết nối thị trường và truyền thông thì chúng tôi thực hiện với Hà Nội. Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến ĐT, TM, DL Hà Nội (HPA) thực hiện hai Diễn đàn về kinh doanh rau an toàn. Diễn đàn này nhằm kết nối các nhà sản xuất từ các nhóm mục tiêu thí điểm ở các tỉnh cũng như các nhóm sản xuất ở Hà Nội với các doanh nghiệp và người mua, người tiêu dùng ở tại Hà Nội. Với hoạt động về truyền thông, chúng tôi kết hợp với HPA xây dựng website nông sản an toàn với mục tiêu để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và làm thế nào để có thể hướng người tiêu dùng tiêu dùng rau an toàn có chứng nhận nguồn gốc.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố vệ tinh là Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc là vùng sản xuất. Các tỉnh, thành phố chia sẻ kiến thức là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Nam Định và Ninh Bình.
- Mục tiêu cụ thể của dự án là gì trước bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam hoang mang không biết đâu là rau sạch, đâu là rau không an toàn được bán trên thị trường thưa bà?
Dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất rau an toàn tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Xây dựng chuỗi giá trị tin cậy cho rau an toàn là một quá trình phức tạp. Một mặt, các nhà sản xuất không tuân thủ các quy trình sản xuất theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP), gian lận trong việc ghi chép hồ sơ sản xuất và trộn lẫn rau an toàn với rau thường. Mặt khác, còn có một số nhà kinh doanh lẻ trộn lẫn rau an toàn với rau không an toàn, lạm dụng nhãn mác và bao gói. Những thói quen không tốt này dẫn đến hậu quả mất lòng tin từ người tiêu dùng về rau an toàn và hệ thống chứng nhận rau an toàn.
Mặt khác, Dự án sẽ hỗ trợ người sản xuất áp dụng kĩ thuật sản xuất an toàn và tổ chức hệ thống phân phối và bán hàng tập trung đảm bảo độ an toàn và chất lượng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuỗi giá trị tin cậy sẽ không thể hoàn chỉnh nếu không có sự tham gia của người mua tin cậy. Dự án tìm kiếm người mua, nắm bắt cơ hội phát triển lâu dài với người sản xuất tiềm năng, mặc dù hiện họ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các điều kiện cung ứng. Với sự hỗ trợ của những người mua có thiện ý, dự án có thể đóng góp vào việc tạo lập một mô hình mới về sản xuất, phân phối rau an toàn và nâng cao mức độ an toàn và chất lượng của rau tại Việt Nam về lâu dài.
- Nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng là vấn đề vô cùng quan trọng. Theo bà, việc xây dựng website nông sản an toàn để đạt được mục tiêu đặt ra liệu có khó khăn gì không?
Đối với việc thiết kế về mặt kỹ thuật trang web http://nongsanantoanhanoi.gov.vn không có khó khăn gì nhiều. Trang web được xây dựng nhằm chia sẻ không chỉ tới người sản xuất và người mua/phân phối mà còn được chia sẻ tới người tiêu dùng đang tìm kiếm nông sản an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng. Người truy cập có thể truy cập 3 trang về rau an toàn: Danh bạ các cửa hàng rau an toàn để người tiêu dùng tìm kiếm các cửa hàng bán lẻ rau an toàn gần nhà hoặc gần chỗ làm của họ; Danh bạ người sản xuất rau an toàn để người tiêu dùng kiểm tra chi tiết về người sản xuất, tên và thông tin liên hệ của người sản xuất có thể được tìm thấy trên bao bì sản phẩm; trang giáo dục về các loại giấy chứng nhận khác nhau.
Tuy nhiên, theo tôi thách thức lớn nhất hiện nay là mức độ nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nếu để hiểu và sử dụng web làm diễn đàn thì chắc phải mất thời gian dài để nhiều nhóm có thể nhận thức được. Hiện nay, rất nhiều nhóm đã sản xuất rau an toàn nhưng để kéo họ vào và tham gia vào diễn đàn này thì vẫn còn có những rào cản về kỹ thuật, kỹ năng cập nhật cũng như có thể quản lý trang web đối với thông tin của họ. Và đối với người tiêu dùng, làm thế nào để họ đưa vào việc sử dụng và truy cập web để có thể lấy được thông tin cũng cần phải có thời gian.
- Trước khó khăn này, ở góc độ chuyên gia bà có khuyến cáo gì với nhà quản lý trong việc liên kết các doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà kinh doanh với nhau để tạo nguồn thực phẩm sạch?
Thực tế khó khăn hiện nay chủ yếu là sự nhận thức ở mức độ khác nhau vì vậy việc liên tục nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Chúng tôi cũng có đề xuất với HPA cũng như với dự án là chúng ta sẽ nâng cao việc quảng bá về trang web. HPA cũng nên lồng ghép vào việc quảng bá trang web, lợi ích khi sử dụng trang web này và về phía dự án của chúng tôi, chúng tôi cũng cam kết là tất cả các hoạt dộng truyền thông các giao dịch với tất cả các đối tượng liên quan đến dự án chúng tôi sẽ luôn luôn đề cập và trao đổi về hiệu quả trang web. Tôi nghĩ với cách làm này sẽ càng ngày có nhiều người truy cập, làm cho trang web hiệu quả đối với các đối tượng liên quan.
Ngoài ra, trang web này không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần về các địa chỉ bán hàng hay thông tin của nhà sản xuất mà nó còn là nơi để kết nối kinh doanh các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh có thể tìm nhau ở trên trang web. Ngoài ra, nó cũng là nơi để thông tin hay quảng bá cho các sự kiện mà HPA hay các đơn vị khác của Thành phố Hà Nội tổ chức trong sự kiện về thực phẩm an toàn... Người quan tâm có thể truy cập thông tin qua trang web có thể gặp gỡ và kết nối. Theo tôi, đây thực sự là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm, địa chỉ cung cấp thông tin sản phẩm an toàn trong bối cảnh thực phẩm bẩn, thực phẩm an toàn ở Việt Nam đang diễn ra phức tạp như hiện nay.
- Trong quá trình khảo sát dự án cho thấy, hầu hết người tiêu dùng không tin vào giấy chứng nhận của nhà sản xuất. Vậy để tạo lòng tin từ trang web, theo bà các bên liên quan của Việt Nam cần làm gì?
Thực tế khi chúng tôi bắt đầu dự án, tức là cách đây khoảng 2 năm, chúng tôi có khảo sát và thấy rằng, việc tin tưởng vào giấy chứng nhận rất hạn chế từ người tiêu dùng. Đơn cử, nhiều đơn vị sản xuất cho biết, có rất nhiều người mua là các doanh nghiệp đến đặt vấn đề với người sản xuất nhưng sau đó không ký hợp đồng hoặc là lấy số lượng rất ít để trộn lẫn với sản phẩm không có giấy chứng nhận an toàn. Điều này xảy ra rất phổ biến. Bên cạnh đó, những đơn vị chúng tôi khảo sát cho biết, kể cả họ có chứng nhận VietGAP hay là các chứng nhận khác, tuy nhiên việc kiểm tra và giám sát thường xuyên từ các đơn vị cấp giấy chúng nhận cũng rất hạn chế.
Do đó, dự án của chúng tôi thực hiện với mục đích: để tạo lòng tin, tăng cường lòng tin giữa người sản xuất và người mua ngoài việc có giấy chứng nhận là quan trọng, chúng tôi khuyến nghị các nhà sản xuất sẽ gặp người mua, có thể mời người mua đến thăm vùng sản xuất. Hoặc người sản xuất đến gặp trực tiếp người mua để trao đổi, thảo luận... điều này sẽ làm tăng sự tin tưởng lẫn nhau và như vậy có thể xây dựng được những mối cung ứng đáng tin cậy và bền vững.
- Hiện nay việc quản lý thuốc thực vật của Việt Nam còn hạn chế dẫn tới việc sử dụng tràn lan trong sản xuất rau. Bà có khuyến nghị gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng có 3 việc nên và cần làm, đó là luôn cập nhật danh mục các hoá chất được phép sử dụng của Chính phủ. Thứ hai là tuyên truyền, phổ cập thông tin đến người sản xuất để người dân biết nên hay không sử dụng danh mục thuốc bảo vệ thực vật đó. Thứ ba, phải có cơ chế giám sát và việc giám sát phải thường xuyên. Đồng thời, xử lý thật nghiêm những vụ vi phạm sử dụng hoá chất cấm.
- Xin cảm ơn bà!