Thị trường phát điện cạnh tranh: Minh bạch trong huy động các nguồn điện
Tính đến hết tháng 9/2018 đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh, tăng 2,7 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012.
Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), thị trường phát điện cạnh tranh vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP). Các đơn vị phát điện được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường để bán điện cho đơn vị mua điện duy nhất (EVN). Việc điều độ các nhà máy điện hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống. Sau hơn 6 năm, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành đã đảm bảo hoạt động điện lực được công khai, minh bạch và đặc biệt duy trì cung cấp điện an toàn, tin cậy cho hệ thống điện.
Có thể bạn quan tâm
EVNGENCO 3 hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/10/2018
06:48, 18/09/2018
Sắp cổ phần hóa EVNGENCO 1 và 2
11:44, 14/09/2018
Tập đoàn Sao Mai ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN
19:42, 11/09/2018
EVNNPC lên “điểm” chất lượng dịch vụ
11:11, 07/09/2018
Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được một số các kết quả quan trọng như: Hệ thống điện đã được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội; không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, thông qua bản chào giá của nhà máy để đưa ra lịch huy động, các nhà máy có giá chào thấp sẽ được huy động trước sau đó đến các nhà máy có giá chào cao hơn cho đến khi đáp ứng được nhu cầu của phụ tải.
Ngoài ra, các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, quá trình xây dựng, vận hành thị trường điện cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn như: hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống điện - thị trường điện còn những hạn chế nhất định; Các nhà máy thủy điện chiếm tỷ lệ lớn, trong khi các yếu tố đầu vào thủy văn thường bất định, khó dự báo, do vậy công tác lập kế hoạch vận hành thị trường điện hàng năm, hàng tháng cũng ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp. Hay, việc nghẽn mạch đường dây truyền tải 500 kV trong các chu kỳ cao điểm cũng tác động lớn đến kết quả vận hành thị truờng, ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao nhưng không thể truyền tải hết vào miền Nam.
Bên cạnh đó, thị trường phát điện cạnh tranh cũng chịu thách thức lớn từ các nhân tố bên ngoài, trong đó nhân tố đặc biệt quan trọng là vấn đề cung ứng nhiên liệu sơ cấp (than, khí) cho phát điện. Cụ thể như: Các cụm nhà máy điện tua-bin khí (cụm Phú Mỹ, cụm Nhơn Trạch….) cùng chia sẻ một hệ thống cung cấp khí nhưng lại có nhiều ràng buộc khác nhau về giá khí (giá bao tiêu, giá trên bao tiêu, thay đổi về khí khi hòa thêm nguồn khí mới…). Việc tăng giá nhiên liệu đầu vào (than/khí) gây áp lực tăng giá thị trường điện.
Theo Cục Điều tiết điện lực, hiệu quả hoạt động của thị trường điện lực cũng như an ninh cung cấp điện trung - dài hạn phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng, phân bổ tối ưu dài hạn các nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí), tận dụng đuợc tối đa nguồn lực trong nuớc để phát triển. Về lâu dài hướng tới đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong các chính sách quy hoạch phát triển, quản lý giám sát, sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia nói chung và cho vận hành thị truờng điện lực nói riêng.
Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam và đã được cụ thể hóa tại Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thị trường Điện lực Việt Nam phát triển theo các cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.