Thị trường thịt lợn: Doanh nghiệp không nên "tham bát bỏ mâm"
Giá thịt lợn trong nước đang cao hơn thế giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Yếu tố quan trọng thời điểm này là kìm giữ giá.
Giá thịt lợn tăng cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong quý I/2018, giá lợn hơi giữ ở mức 31-32 nghìn đồng/kg, nhưng đến đầu quý II, giá bắt đầu tăng lên từ 35-48 nghìn đồng/kg, đặc biệt, đến quý III, giá tăng cao từ 49 – 53 nghìn đồng/kg và hiện đang giữ ở mức 50-51 nghìn đồng/kg. Từ tháng 5/2018 đến nay, giá lợn tại Việt Nam tăng nhanh và luôn cao hơn giá lợn hơi tại Trung Quốc và Thái Lan.
Hiện, giá lợn hơi trong nước hiện nay đã quá cao so với giá thành sản xuất. Cụ thể, giá thành lợn thịt ở khu vực chăn nuôi trang trại hiện nay giao động từ 37-38 nghìn đồng/kg và khu vực chăn nuôi nông hộ giao động từ 39-40 nghìn đồng.
Có thể bạn quan tâm
Triển khai các giải pháp ổn định thị trường thịt lợn
19:15, 15/08/2018
Thịt lợn đang bị “làm giá”?
04:00, 10/08/2018
Nhọc nhằn xuất khẩu thịt lợn
04:44, 03/08/2018
Giá thịt lợn có tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm?
06:40, 02/08/2018
Theo phân tích đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, với trình độ chăn nuôi của Việt Nam, nếu kiểm soát tốt các yếu tố tác động đến giá thành sản xuất thịt lợn, thì giá thành thịt lợn Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được trên phạm vi đại trà trong sản xuất ở mức dưới 35 nghìn đồng/kg.
Mặt khác, giá lợn nước ta đang thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, với quy mô thị trường gần 100 triệu dân có thói quen thích tiêu dùng thịt lợn sẽ là căn nguyên để các nước có nền chăn nuôi lợn phát triển muốn xuất khẩu lợn vào nước ta.
Bên cạnh đó, tác động của dịch tả lợn châu Phi và xung đột thương mại Mỹ - Trung càng làm gia tăng nguy cơ thâm nhập thịt lợn và các sản phẩm từ lợn của khu vực châu Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Kìm giá tránh những tác động xấu
Trước những diễn biến trên, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Tăng năng suất và hạ giá thành, giá sản phẩm thịt lợn trong nước xuống là nhiệm vụ cấp thiết. Trong đó, biện pháp cần phải tiến hành ngay trong tháng 10/2018 là hạ giá bán lợn thịt xuống dưới mốc 50 nghìn đồng/kg.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Phạm Văn Học cho biết, hiện nay rất may là giá lợn hơi Việt Nam cơ bản ngang bằng với giá lợn tại Trung Quốc và cao hơn giá lợn hơi tại Thái Lan khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg nên hạn chế việc tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn để buôn lậu lợn qua biên giới phía Bắc.
Để phát triển bền vững, ông Học cho rằng, không còn giải pháp nào bền vững hơn là các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để giá bán đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn. Cạnh đó, cần có một hiệp hội về chăn nuôi lợn đi cùng với các doanh nghiệp chiếm thị phần, tỷ trọng đủ lớn mới có thể cùng các cơ quan quản lý đứng ra điều tiết khi thị trường.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam ông Lê Thanh Phương cho rằng, về ngắn hạn nên để giá lợn hơi vận động theo quy luật cung cầu của thị trường, còn lâu dài nên thành lập các hiệp hội để phối hợp cùng quản lý nhà nước trong điều tiết, nắm bắt cung cầu. Cũng theo ông Phương, chính người tiêu dùng mới là người quyết định giá bán.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian gần đây giá thịt lợn tăng cao, doanh nghiệp và người chăn nuôi có lãi là điều đáng mừng. Nhưng điều lo ngại chính là việc nếu giá lợn vẫn ở mức cao và kéo dài thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào, khi đó sẽ mất thị trường. Do đó, Bộ trưởng lưu ý các doanh nghiệp cần lấy đúng mức lãi, đừng "tham bát bỏ mâm" để rồi sau này mất thị trường, khi đó còn thiệt hại lớn hơn nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình tiếp tục cải tiến thay đổi nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành bảo vệ cho bằng được ngành chăn nuôi lợn đang phát triển rất tốt như hiện nay.