Đi tìm lời giải cho phát triển xi măng bền vững
Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng từ nay đến cuối năm sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ vẫn tiếp tục tăng do thời tiết rất thuận tiện cho việc xây dựng.
Đây cũng là thời điểm nhiều dự án xây dựng, bất động sản gấp rút được hoàn thành để mở bán vào dịp cuối năm.
Thời điểm này, sản lượng xuất khẩu sản phẩm tiếp tục tăng do không gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của xi măng Trung Quốc vì đang dừng sản xuất. Do đó, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng được dự báo sẽ vượt rất xa so với mục tiêu kế hoạch đề ra của cả năm.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 10 tháng năm 2018 khoảng 85,23 triệu tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 100% kế hoạch tiêu thụ từ 83-85 triệu tấn sản phẩm xi măng của cả năm. Riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ khoảng 23,87 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.
Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 10, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa khoảng 6,09 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Lũy kế, từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa đạt khoảng 59,18 triệu tấn.
Thị trường xuất khẩu sản phẩm xi măng tiếp tục bứt phá với những con số ấn tượng khi trong tháng 10/2018 xuất khẩu ước đạt 2,66 triệu tấn sản phẩm, tăng 0,46 triệu tấn so với tháng 9 trước đó. Xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 10 tháng năm 2018 ước đạt khoảng 26,05 triệu tấn, tăng tới 65% so với cùng kỳ 2017.
Tuy nhiên, không như những ngành hàng khác, khi bán nhiều xi măng, clinker ra khỏi biên giới, đồng nghĩa với việc gia tăng xuất bán tài nguyên, năng lượng. Đây là hướng đi mà nhiều quốc gia đã không lựa chọn trong những năm gần đây.
Theo các chuyên gia, dù nguyên liệu cho sản xuất xi măng ở trong nước dồi dào, nhưng tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn nên tư duy phát triển kinh tế dựa dẫm vào khai thác tài nguyên cần được xem xét kỹ hơn.
Bài học về nghịch lý của ngành than còn nguyên tính thời sự bởi cách đây mấy chục năm, Việt Nam cũng từng tự hào về nguồn tài nguyên than đá rất dồi dào và đã tận sức khai thác vừa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước vừa dư ra để xuất khẩu. Thế rồi giờ đây Việt Nam phải chi hơn tỉ đô la nhập khẩu than!
Ngoài khai thác tài nguyên đá vôi, một vấn đề đáng lưu tâm khác là việc các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành này còn được cho là tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ hoặc thậm chí “xuất khẩu ô nhiễm” sang Việt Nam. Trên thực tế, đi kèm với “thành tích” về công suất tăng vọt của ngành xi măng những năm gần đây là không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, tổn hại cảnh quan cho đến tiêu tốn năng lượng.
Theo các chuyên gia, cần phải nhìn lại ngành vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, cần những giải pháp đồng bộ để vẫn phát triển sản xuất nhưng gắn với bảo vệ môi trường.
Còn theo phân tích của giám đốc một doanh nghiệp xi măng tại Tây Ninh, xuất khẩu xi măng đang tăng trưởng nhờ Trung Quốc tăng nhập khẩu: “Đó là sự may mắn trong ngắn hạn, giúp tránh được nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp xi măng, nhưng chỉ cần phía Trung Quốc điều chỉnh nhà cung ứng, thì ngành xi măng sẽ ngấm đòn ngay. Bên cạnh đó, việc tiếp tục đi bán tài nguyên, năng lượng là hướng phát triển không bền vững, các nhà máy xi măng tăng công suất hoạt động cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường”.