Nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra từ năm 2020

Hoàng Oanh 30/11/2018 05:48

Công suất nguồn điện cả nước hiện đạt 47.750 MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỉ kWh. Làm thế nào để 12 năm tới, Việt Nam nâng công suất lên 129.500 MW và sản lượng hơn 570 tỷ kWh.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), để đáp ứng nhu cầu điện các năm tới, cả nước cần tới 60.000 MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW. Như vậy, tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW/năm. 

Có thể bạn quan tâm

  • Các dự án điện mặt trời có “về đích” đúng hạn?

    Các dự án điện mặt trời có “về đích” đúng hạn?

    11:25, 20/10/2018

  • Gỡ vướng cho các dự án điện mặt trời

    Gỡ vướng cho các dự án điện mặt trời

    11:30, 14/10/2018

  • Thu hút đầu tư “nóng” vào điện gió

    Thu hút đầu tư “nóng” vào điện gió

    09:20, 16/08/2018

  • Cung ứng điện cho sản xuất công nghiệp:p/Điện đi trước một bước

    Cung ứng điện cho sản xuất công nghiệp: Điện đi trước một bước

    11:00, 28/10/2018

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, tuy nhiên, thực tế công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), thậm chí một số dự án chậm tiến độ trên 5 năm. Vì vậy, việc đảm bảo cung ứng điện đang đặt EVN trước nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, các rủi ro mà EVN đã, đang và sẽ gặp phải đó là các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh); nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay; việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro và một số khó khăn, thách thức trong vận hành hệ thống điện khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao...

Ông Trần Việt Anh, Trưởng ban Chiến lược EVN cho biết, hiện công suất nguồn điện cả nước mới chỉ đạt 47.750 MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỉ kWh. Vậy làm thế nào để trong thời gian 12 năm tới, Việt Nam có thể nâng công suất lên 129.500 MW và sản lượng hơn 570 tỷ kWh là thách thức lớn. Trong khi đó, hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ dẫn tới có khả năng từ những năm 2020 đến năm 2025 việc thiếu điện sẽ xảy ra. 

Thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than, với công suất 7.860 MW đã được khởi công và triển khai xây dựng. Như vậy, còn khoảng 18.000 MW trên tổng số 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vận hành trong thời gian tới, nhưng đến nay chưa khởi công xây dựng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện các năm tiếp theo.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), trong những năm qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VEA, trong các tổng sơ đồ phát triển của các ngành điện, than, dầu khí, đến nay vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Do vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo an ninh năng lượng đất nước cần rà soát lại các dự án điện, khí, than, nêu rõ dự án nào chậm tiến độ để khắc phục ngay, dự án nào chưa khởi động thì triển khai, dự án nào đang nằm trên giấy. Từ đó, cần phải giao nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp, thực hiện và tháo gỡ khó khăn.

Về cung ứng than cho điện, ông Ngãi cho rằng, phải cân đối được tỷ lệ nguồn điện để từ đó có các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng Việt Nam ngày càng lớn; các yêu cầu về đáp ứng điều kiện môi trường ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn... gây nhiều áp lức đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng. Do vậy, có thể bảo lãnh vay vốn, để đưa các dự án đi vào triển khai xây dựng và vận hành.

Xu hướng phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng (GDP tăng bình quân từ 6,8 - 7,0%/năm). Do đó, nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân ngày càng tăng cao. Theo quy luật phát triển, năng lượng phải đi trước một bước. “Do vậy, ngành năng lượng phải đáp ứng được các mục tiêu chiến lược đề ra tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, không những đảm bảo năng lượng bền vững mà còn có năng lượng dự phòng” - Chủ tịch VEA nhấn mạnh.

Hoàng Oanh