Nỗi buồn xuất khẩu rau quả 2019
Sau nhiều năm tăng trưởng “nóng”, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả dự báo sẽ không đạt mục tiêu đề ra.
Xuất khẩu sụt giảm
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tổng giá trị XK rau quả 9 tháng đầu năm ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần.
Tuy nhiên XK rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay, Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rau, quả nhập khẩu (NK), đồng thời siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch. Các doanh nghiệp và nhà sản xuất của Việt Nam chưa chuyển đổi và thích ứng kịp với những thay đổi từ thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, từ 1/6/2019, rau quả Việt Nam xuất qua phải đi theo đường chính ngạch. Hiện với mặt hàng trái cây, Trung Quốc cho nhập khẩu 9 loại từ Việt Nam là thanh long, chuối, dưa hấu, vải, nhãn, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Đặc biệt, Trung Quốc thực thi nghiêm các quy định về truy suất nguồn gốc trong đó yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết, khi phê duyệt và đi vào thực thi thuế xuất sẽ giảm về 0%, tác động đến giá thành rau quả của Việt Nam khi XK sang thị trường EU. Tuy nhiên đến nay, kim ngạch XK rau quả sang EU chưa cao.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau, quả Việt Nam thông tin, năm 2018, Việt Nam XK rau quả được 3,52 tỷ USD, tuy nhiên, kim ngạch XK sang thị trường châu Âu chỉ khoảng trên 100 triệu USD, đây là một con số rất khiêm tốn. Năm 2019, dù kim ngạch XK rau quả sang EU tăng khá cao nhưng vẫn chưa bù đắp được lượng XK sang Trung Quốc bị giảm sút.
Dự kiến, năm nay, kim ngạch XK rau quả sẽ không đạt được như mục tiêu đề ra (kim ngạch XK đạt 4,2 tỷ USD).
Giải pháp nào cho XK rau quả?
Ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, hiện thị trường XK chính của rau quả Việt Nam là Trung Quốc. Chúng ta cần làm sao để tăng được số lượng XK sang thị trường này. Rau, quả Việt có lợi thế là ngon, cùng với khoảng cách địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành sản phẩm rẻ… là điểm cộng rất lớn để XK sang thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất cao trong việc tiêu thụ trái cây nhiệt đới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, cần đẩy nhanh việc đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để có thể XK nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội lớn cho xuất khẩu rau quả sang thị trường Á - Âu
20:03, 24/10/2019
Xuất khẩu rau quả: Khó khăn bủa vây
05:32, 06/08/2018
Thấy gì sau những con số "ấn tượng" về xuất khẩu rau quả?
05:49, 22/07/2018
Cùng với nỗ lực của các DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy XK chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, mặt hàng đang được thúc đẩy khá tích cực là sầu riêng. Bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu năm 2019, hy vọng đến năm 2020, sầu rêng sẽ được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Sau sầu riêng, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc là: Dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ…
Cùng với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường cho rau quả. Tuy nhiên, để làm được điều này, công nghệ bảo quản phải tốt. Tuy nhiên, công tác bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn rất yếu nên rau, quả Việt chưa thể đi xa được, chỉ có một vài mặt hàng có thể XK bằng đường biển như: thanh long, bưởi… Do đó, DN xuất khẩu rau quả được khuyến cáo đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả trong bảo quản để giúp hạ giá, thúc đẩy XK rau quả sang nhiều thị trường.