Làm sao để mang "trái ngọt" cho ngành mía đường?
Công tác nghiên cứu, công nhận chính thức và đăng ký danh mục với những giống mía tốt nhằm nhân rộng, nâng năng suất và giảm chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ là lối ra cho ngành mía đường.
Ngành mía đường được nhận định đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây và là thời kỳ khó khăn thứ hai kể từ khi ngành được thành lập.
Để “trái đắng”…
Có thể nói, năm 2018, lịch sử lặp lại khi ngành mía đường đang ở điểm trũng với khó khăn chồng chất. Hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh mía đường công bố những con số ảm đạm về tình hình hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, niên vụ 2018-2019 lượng đường dự kiến cung cấp trên thị trường cả nước là trên 2,2 triệu tấn. Trong đó, lượng đường sản xuất trong vụ là trên 1,5 triệu tấn, đường tồn kho đến 15/8 là trên 600.000 tấn, nhập khẩu năm 2018 (theo cam kết với WTO) dự kiến 94.000 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ 1,6 triệu tấn, lượng đường còn thừa trên 576.000 tấn.
Dự báo cung cầu cho thấy, niên vụ tới nguồn cung đường trong nước còn tiếp tục dư thừa, trong khi nguồn cung đường trên thế giới vẫn còn thừa gần 7 triệu tấn, vì vậy việc khôi phục của giá đường có thể sẽ chậm, trước sức ép cạnh tranh trong hội nhập.
Điều này khiến các doanh nghiệp và nhà máy đường gánh chịu những tác động nặng nề. Nguyên nhân của tình trạng này mặc dù đã được chỉ ra rất nhiều nhưng cốt lõi vẫn là cạnh tranh kém do giá thành cao mà nguồn cơ từ giá nguyên liệu cao.
Hiện, giá mía nguyên liệu chiếm 70 - 80% giá thành sản xuất đường. Với giá mía đưa vào chế biến từ 900.000 - 1,1 triệu đồng/tấn; giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn Thái Lan 2.000 - 3.000 đồng/kg.
“Trong sản xuất mía nguyên liệu, mỗi tấn mía chỉ tốn 16 USD ở Brazil; 18 USD ở Úc; 30 USD ở Thái Lan. Ở Việt Nam thì giá mía phải từ 45 - 50 USD nông dân mới có lời”, GS Võ Tòng Xuân, Chuyên gia nông nghiệp cho biết.
…thành “trái ngọt”
Trước thực tế này, rõ ràng, ngành mía đường Việt Nam phải nhanh chóng giảm chi phí sản xuất của tất cả khâu trong chuỗi giá trị. Mà trước tiên là giống mía cho năng suất, chất lượng cao.
Hiện, cây mía là nhân giống vô tính nên có đặc thù không thể áp dụng được quy định về bản quyền tác giả giống. Trong nước hiện có hàng trăm công ty kinh doanh giống cây trồng nhưng không có đơn vị nào đăng ký kinh doanh giống mía vì rất dễ mất bản quyền.
Đó là lý do nhiều giống tốt được đưa ra sản xuất thử nhưng không được công nhận chính thức, không được đăng ký danh mục.
Cùng với đó, những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học ngành mía đường cũng còn nhiều bất cập. Mức đầu tư cho mía rất thấp so với các cây trồng khác và so với các nước.
“Cả Viện mía đường hiện chỉ có duy nhất 1 đề tài nghiên cứu về mía với kinh phí 1 tỷ đồng, sang năm chỉ còn 800 triệu. 5 năm tới chắc cũng chỉ có vậy”, ông Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện mía đường Việt Nam nhận định.
Do đó, ông Cao Anh Đương kiến nghị cần có sự tăng cường hỗ trợ trong công tác nghiên cứu. Đồng thời đề xuất Chính phủ có cơ chế để Viện có sự đầu tư trở lại thông qua việc trích một phần tiền trên số lượng đầu tấn mía hoặc đường.
Chia sẻ với DĐDN, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) Phạm Quốc Doanh nhận định, đồng phát nhiệt điện có thể là giải pháp cứu ngành mía đường với nguồn doanh thu bổ sung từ bán điện lên lưới quốc gia. Điều đáng nói, hiện EVN chỉ mua điện từ đồng phát điện bã mía với mức giá 5,8 cent/kWh (tương đương 1.220 đồng/kWh); thấp hơn mức gía 7,4 cent/kWh cho điện từ các nhà máy điện sinh khối. Việc sản xuất điện sinh khối trong ngành mía đường chưa hiệu quả như mong muốn. Niên vụ vừa qua, trong số 37/41 nhà máy đường đang hoạt động, có 9 nhà máy đã sản xuất điện đồng phát từ bã mía với tổng công suất xấp xỉ 200MW, và đấu lưới xấp xỉ 100MW. Dự kiến năm 2030, ngành đường có thể sản xuất 2,4 triệu MWh và lên lưới 1,2 triệu MWh điện từ đồng phát bã mía. Đây là con số khá lớn đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia. Chủ tịch Hiệp hội Mía đường kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo công bằng trong điện sinh khối đối với điện từ mía đường khi giá điện bã mía. Không nên gọi điện từ bã mía là sản phẩm phụ nữa mà đó là một trong những sản phẩm chính của nhà máy đường. |