Doanh nghiệp Hong Kong muốn mua được gạo Việt Nam nhiều hơn

Huỳnh Khởi 05/11/2019 18:41

Chiều ngày 5/11, 30 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Hong Kong đã có dịp tiếp xúc với doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP.Cần Thơ.

Chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường Hong Kong” diễn ra vào chiều ngày 5/11, ông Chan Kin Nin Kenneth, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong cho biết: Hai ngày qua đoàn doanh nghiệp Hong Kong đã được “mục sở thị” ngành sản xuất lúa gạo và nếm thử các loại gạo mới nhất của Việt Nam tại hội thi gạo ngon, đây là một chuyến đi thú vị, theo các thành viên trong đoàn với tiềm năng đất đai và tinh thần cần cù của nông dân Việt Nam, trong tương lai gần nông nghiệp của Việt Nam sẽ ở top đứng đầu thế giới.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Hong Kong chỉ có 7,5 triệu dân nhưng do tập trung phát triển công nghiệp, thương mại nên hiện tại phải nhập khẩu đến 75% nông sản phục vụ cho tiêu dùng và chế biến. Chính vì vậy Hiệp hội Các nhà nhập khẩu gạo Hong Kong được thành lập từ rất sớm, năm 2019 này sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Hiệp hội hiện có 52 thành viên, trong chuyến đi này có đến 30 thành viên đến Việt Nam, điều đó cho thấy các doanh nghiệp nhập khẩu Hong Kong rất xem trọng nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Thị trường Hong Kong ưa chuộng các loại gạo thơm của các nước, sau đó mới đến gạo trắng và các loại khác. Đáng chú ý, trong cơ cấu gạo Việt Nam xuất sang Hong Kong, gạo thơm chiếm tới 90% tổng sản lượng gạo.

Kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu nhiều thứ hai vào Hong Kong, chỉ sau Thái Lan. Thậm chí năm 2013, lượng gạo Việt Nam nhập khẩu vào Hong Kong vươn lên con số 137.000 tấn, chỉ ít hơn lượng gạo Thái Lan nhập vào thị trường này có 10.000 tấn. Tuy nhiên, sau đó có sự sụt giảm, đến năm 2018, Hong Kong chỉ nhập khẩu 76.000 tấn gạo Việt Nam. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng gạo Việt Nam nhập vào Hong Kong đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước” ông Chan nói.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ Nguyễn Minh Toại: Cần Thơ tuy không phải là vùng trọng điểm sản xuất lúa nhưng là địa phương có năng lực xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước. Địa phương hiện có đến 41 doanh nghiệp đủ điều kiện chế biến xuất khẩu gạo trực tiếp với công suất chế biến đạt 17.000 tấn/ngày, có thể cung ứng 1-1,2 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm và có thể nâng cao gấp đôi. Xuất khẩu gạo của địa phương đã đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch 10 tháng đầu năm đạt trên 300 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu gạo của địa phương sang Hong Kong chỉ mới đạt 1,8 triệu USD trong năm 2018 và 6,6 triệu USD trong năm 2019 này, do đó còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, Tổng thư ký hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2019 thuận lợi hơn năm 2018 và có khả năng đạt 6 triệu tấn vào cuối năm. Riêng thị trường Hong Kong tuy sản lượng còn khiêm tốn dao động trên dưới 100 triệu tấn/năm nhưng thị trường này rất chuộng gạo thơm gạo phẩm cấp cao của Việt Nam, giá mua cũng rất tốt, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Huỳnh Khởi