5 nhóm giải pháp khắc phục “thẻ vàng” thuỷ sản EC trước “giờ G”
Trong khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa (23/4) là đến thời hạn Uỷ ban châu Âu (EC) đánh giá kết quả triển khai và khắc phục chống khai thác IUU của Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề xuất 5 nhóm giải pháp thoát “thẻ vàng” EC, trong đó có tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ.
Theo đó, tại công văn số 29/2018/CV-VASEP gửi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản, VASEP đề xuất 5 nhóm hoạt động ưu tiên cần triển khai nhằm khắc phục thẻ vàng IUU trong tháng 2 và 3/2018.
Doanh nghiệp “treo cam kết”
Cụ thể, VASEP đưa ra 5 đề xuất bao gồm việc đại diện ban điều hành IUU của VASEP được tham gia đoàn công tác của Bộ NN& PTNT sang làm việc về “IUU” và “thẻ vàng” với phía EU và cả Hàn Quốc theo kế hoạch sắp triển khai.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Tổng cục Thủy sản chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý ngay các yêu cầu xác minh của EU.
Đặc biệt, VASEP cũng đề nghị phối hợp với Tổng cục Thủy sản chủ trì tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ về triển khai các nhiệm vụ - hoạt động khắc phục “thẻ vàng”. “Hội nghị nhằm đánh giá những tồn tại-bất cập để lãnh đạo Bộ và Tổng cục kịp thời chỉ đạo các phương án tiếp theo, bao gồm một trong những nội dung quan trọng là việc hướng dẫn Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ký ngày 31/01/2017 của Bộ NNPTNT với nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi”, công văn của VASEP nêu rõ.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ phối hợp tích cực với Tổng cục về công tác chuyển ngữ và rà soát ngôn ngữ (tiếng Anh) của các báo cáo hoặc văn bản pháp lý nhằm kịp thời các công việc liên quan trong thời gian “thẻ vàng”.
Bên cạnh đó, VASEP cho biết từ ngày 1/2, các doanh nghiệp hải sản nằm trong Chương trình cam kết chống khai thác IUU của VASEP đã đồng loạt treo "Bản cam kết" (tại cổng nhà máy) chống khai thác IUU, cam kết không thu mua, chế biến và xuất khẩu từ nguyên liệu hải sản có nguồn gốc khai thác IUU.
VASEP đề xuất Bộ NN&PTNT nên có văn bản chỉ đạo xuống các tỉnh, thành & Tổng cục thủy sản để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống khai thác IUU trên cả nước.
Trước đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định giơ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do Việt Nam hành động không đủ để chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định (IUU).
Giải pháp cần dài hơi
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ có 6 tháng để triển khai các giải pháp khắc phục sự cố trên theo các khuyến nghị của EU. Sau thời gian này, nếu không giải quyết các yêu cầu của EU đưa ra, Việt Nam có thể đối mặt một trong 3 kịch bản, trong đó xấu nhất là bị "thẻ đỏ". Khi đó, lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào EU sẽ được áp dụng, đồng nghĩa với việc “cấm cửa” thuỷ sản Việt vào thị trường này.
Ở một diễn biến khác, mới đây, Cơ quan thẩm quyền Hà Lan vừa có thông báo đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến chứng nhận khai thác thuỷ sản do Cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp. Cụ thể, cách ghi khối lượng chưa đúng theo yêu cầu của EU. Cơ quan thẩm quyền của Hà Lan cũng nêu rõ, nếu trong thời gian tới, việc ghi khối lượng không đúng theo hướng dẫn của EU thì các lô hàng xuất khẩu sẽ bị trả về.
Như vậy, câu chuyện về sản phẩm khai thác không còn nằm riêng tại thị trường EU mà còn liên quan tới những thị trường trọng yếu khác. Chia sẻ với PV DĐDN, chuyên gia thuỷ sản Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn, vấn đề về IUU đã được cảnh báo từ cách đây 5-7 năm, nhưng Việt Nam vẫn để bị EC rút “thẻ vàng”. 6 tháng để cải thiện “thẻ vàng” là rất khó, Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với “thẻ đỏ” thuỷ sản khai khác.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, mấu chốt ở câu chuyện ngành thuỷ sản không đơn thuần là dồn sức thoát “thẻ vàng” EU, mà quan trọng hơn là các biện pháp mang tính dài hơi để thay đổi thực trạng khai thác của ngành.
“Tầm nhìn dài hạn phải là lối đi cho các sản phẩm thuỷ sản nuôi, khi mà sản phẩm khai thác bị cấm cửa. Để các sản phẩm thuỷ sản này có thể xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng, là sản phẩm nuôi, được nuôi tại vùng biển nào, điều kiện ra sao...? Để làm được vậy cần liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp chăn nuôi, khai thác thuỷ sản. Việc liên kết tạo thành chuỗi này là biện pháp phát triển bền vững cho thuỷ sản Việt Nam chứ không chỉ là để khắc phục thẻ vàng ” - ông Dũng nhấn mạnh.