Gia tăng giá trị gạo Việt (Kỳ II): Đổi tư duy từ “lượng” sang “chất”
Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là cơ hội để Việt Nam bán gạo cho giới "nhà giàu" bởi vì các nền kinh tế CPTPP tuy rất mạnh về lương thực, nhưng sản xuất lúa gạo chỉ chiếm 10%, còn lại chủ yếu là lúa mì và các loại ngũ cốc.
Mặt khác, khi CPTPP có hiệu lực với sự cam kết cắt giảm mạnh thuế suất và các ưu đãi khác thì các nền kinh tế thành viên có xu hướng ưu tiên lựa chọn đối tác trong nội khối, khi đó Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế hơn Thái Lan trong xuất khẩu gạo vào Malaysia, Singapore...
Ngoài ra, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2050, nhu cầu sản xuất lương thực trên thế giới phải tăng 70% để đủ nuôi 9 tỷ người, lượng gạo thương mại vào năm 2022 ước đạt 45 triệu tấn, giá gạo sẽ tăng 10-14% trong 10 năm tới.
Xu hướng lúa hữu cơ
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, xu hướng tiêu dùng cả thế giới hiện nay là: chuyển mạnh từ ăn no sang ăn ngon, sạch, giàu dinh dưỡng. Do đó, con đường duy nhất cho nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng trong "sân chơi" hội nhập là phải sản xuất theo quy trình xanh, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả cạnh tranh hơn.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều nước nhập khẩu nông sản bắt đầu kiểm tra rất nghiêm ngặt chất lượng các mặt hàng nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng. Đặc biệt, họ quan tâm đến vấn đề tồn dư của các chất kháng sinh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và hàm lượng các kim loại nặng trong lúa gạo.
Chính vì vậy, lúa gạo hữu cơ được đánh giá là xu hướng phát triển trong thế kỷ 21 và là “chìa khóa” cho hạt gạo Việt.
Bộ NN&PTNT đang dự thảo để trình Chính phủ thông qua Nghị định về nông nghiệp hữu cơ với cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích nông dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.
Hiện nay, nhiều nước đã sử dụng phân bón hữu cơ lên đến 35% - 40% như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ khoảng 10%.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cũng chỉ ra: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát triển lúa gạo hữu cơ là sản xuất phân hữu cơ chỉ đáp ứng hơn 20% mặc dù mỗi năm chúng ta đang có đến hàng trăm triệu tấn phụ, phế phẩm có thể sử dụng để chế biến thành phân hữu cơ.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hàng năm ngành nông nghiệp thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân trâu bò, lợn, gia cầm… Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 23 triệu tấn rơm rạ, hơn 4,6 triệu tấn trấu và hơn 2,3 triệu tấn cám…
Đây là những tiềm năng to lớn có thể làm phân bón hữu cơ, nhưng lâu nay vẫn bị quên lãng. Với số lượng phế thải này, Việt Nam hoàn toàn đủ sức sản xuất 5 - 6 triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình (nhà máy mini) hộ nông dân, qua đó tiết kiệm nhiều tỷ USD trong việc nhập khẩu phân bón vô cơ.
Thay đổi tư duy từ nông dân đến nhà quản lý
Theo Chuyên gia nông nghiệp GS, TS Võ Tòng Xuân: lâu nay nông dân mình chỉ hỏi nhau: "lúa ông một công được bao nhiêu giạ" chứ ít ai hỏi lãi một công bao nhiêu. Điều đó chứng tỏ họ chỉ quan tâm sản lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, hiệu quả kinh tế.
“Nhược điểm của nông nghiệp nước ta hiện nay có thể kể là: nhà nước chưa có quy hoạch sử dụng đất và nước hợp lý, nông dân chậm thay đổi tư duy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, còn sử dụng phân, thuốc bừa bãi, không đúng phương pháp” - GS Xuân phân tích và cho rằng, điều này không chỉ tăng giá thành mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Để hóa giải những hạn chế này, theo GS Xuân, Nhà nước cần ban hành chính sách phát triển phân bón hữu cơ. Đồng thời, định hướng phát triển thị trường; dán nhãn công bố chất lượng; đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng vùng sản xuất; cải cách cơ chế, hướng sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế chứ không nên để các thành viên tham gia thị trường hoạt động đơn lẻ, tự phát như hiện nay.