Phó TGĐ TTC Sugar: CPTPP không ảnh hưởng ngành đường

Lê Mỹ 21/03/2018 15:42

Dự báo giá đường đã bắt đầu đi về vùng đáy và có thể sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trở lại 5 năm từ cuối 2019, Phó Tổng Giám đốc Thường trực CTCP Thành Thành Công- Biên Hòa (SBT-HoSE, TTC Sugar), bà Trần Quế Trang khẳng định: Thị trường đường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Theo P.TGĐ Thường trực TTC Sugar, năm 2018 ngành đường thế giới dự báo vẫn đang trong giai đoạn cung dư thừa, cầu thấp hơn và lượng đường sản xuất dư thừa trên toàn cầu ước tính khoảng 9 triệu tấn. 

Bà Trang cho biết đặt trong bối cảnh chung, kinh tế Việt Nam và ngành đường vẫn được đánh giá còn nhiều cơ hội, dựa trên nền tảng đặc thù của một nền kinh tế có cơ cấu dân số lao động trẻ và lượng thu nhập trung lưu tăng nhanh, doanh nghiệp sản xuất ngành đã có những chuẩn bị để thích ứng hội nhập.

"CPTPP không ảnh hưởng ngành đường!"

Theo phân tích và dự báo của WB, PwC, ở 2016, Việt Nam có 33 triệu người có thu nhập trung lưu, đến 2035, con số dự báo sẽ là 54 triệu người, tương đương vượt 1/2 tổng dân số hiện nay. 

Tại Hội nghị các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán, TTC Sugar khẳng định cùng với các nhà đầu tư hiện hữu, doanh nghiệp sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, đối tác để ngày càng phát triển hơn

Tại Hội nghị các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán, TTC Sugar khẳng định cùng với các nhà đầu tư hiện hữu, doanh nghiệp sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, đối tác để ngày càng phát triển hơn

Một dự báo khác cho thấy, các điều kiện đặc thù của VN mang đến nhiều cơ hội cho các ngành như: Thực phẩm chế biến (F&B), Nông nghiệp công nghệ cao, Năng lượng tái tạo... Đại diện TTC Sugar cho biết họ đã đang có nền tảng, tiếp tục kinh doanh với 2 ngành chính là Nông nghiệp công nghệ cao lẫn Năng lượng tái tạo - với hàm lượng giá trị gia tăng trong lĩnh vực "lõi" mía đường ngày càng tăng lên.

Xu hướng tiêu dùng với kênh mua sắm hiện đại, người tiêu dùng ngày càng thông minh và có nhu cầu, điều kiện để quan tâm các sản phẩm an toàn sức khỏe, theo bà Trang là cơ hội của ngành đường và của TTC Sugar. Tỷ lệ tiêu thụ đường gián tiếp cũng sẽ gia tăng thông qua tăng trưởng của ngành F&B (nguồn: Dự báo BMI).

Phó Tổng Giám đốc Thường trực TTC Sugar cũng khẳng định Hiệp định ATIGA đến lúc này vẫn chưa có thông tin về thời điểm chính thức thực thi và CPTPP không ảnh hưởng đến Việt Nam. 

Là điểm sáng khi tiếp tục tăng trưởng, đi ngược xu hướng bão hòa của thế giới, ngành đường Việt Nam cũng đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp, khi biết nắm bắt và khai thác hiệu quả các nhu cầu, phân khúc tiêu dùng từ hơn 90 triệu người dân. Tất nhiên, đại diện DN ngành đường nhấn mạnh quá trình cạnh tranh cũng sẽ dẫn đến những hệ quả đào thải các nhà máy lạc hậu, thiếu công nghệ, không có sản phẩm bắt nhịp xu hướng mới, yếu cạnh tranh... Việc loại bỏ khâu trung gian phân phối cũng được xem là bí quyết để các DN lớn giảm chi phí, giảm giá thành, đưa ra được những sản phẩm cạnh tranh được với mía đường nhập khẩu chính ngạch và có chất lượng trong tương lai (không bao hàm đường kém chất lượng nhập lậu), có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Chủ động để cạnh tranh

Để trở thành DN lớn, tiên phong dẫn đầu ngành và tận dụng các cơ hội được dự báo, TTC Sugar đã thực thi M&A, tăng quy mô và tiềm lực lợi thế, lấy sức khỏe hợp nhất "người 1 nhà" của hai doanh nghiệp lớn là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và CTCP Đường Biên Hòa làm đòn bẩy bật xa khi thực thi các chiến lược cạnh tranh dài hạn. Hậu M&A, TTC Sugar đã có các hoạt động cụ thể như: Thiết lập mô hình Tổng Công ty, tổ chức công tác vận hành đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống sản xuất – kinh doanh phù hợp với năng lực và quy mô mới, tiếp tục chuyên nghiệp hoạt động Nông nghiệp - Sản xuất - Thị trường...

Nhằm khai thác tốt hơn từ dư địa còn nhiều, Công ty này cũng mở rộng theo chiến lược tập trung, chuyên sâu: Định vị hướng đi hợp thức hóa, hiện đại hóa trong khâu sản xuất và tạo chuỗi giá trị khép kín; đa dạng hóa các kênh phân phối (Nhóm khách hàng cũng như địa lý); mở rộng quy mô thông qua các hoạt động M&A. Mục tiêu đến năm 2020, TTC Sugar kỳ vọng đạt 1.100 triệu tấn đường, tăng trưởng mạnh sản lượng tiêu thụ, từng bước phủ rộng thị trường trong nước và quốc tế. Công ty cũng đặt các tiêu chí cụ thể trong công tác quản lý rủi ro, giám sát chặt chẽ những biến động của ngành để tự tin cạnh tranh trước các đối thủ quốc tế trong giai đoạn hội nhập, phản ứng phù hợp trước những vấn đề tạo sự cạnh tranh không lành mạnh như - sự xuất hiện của đường lỏng và các sản phẩm tạo ngọt khác…Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch BHS khẳng định TTC Sugar đang sẵn sàng cạnh tranh "sòng phẳng" với các đối thủ, đặc biệt về công nghệ. 

Kết thúc 6 tháng sau sáp nhập kể từ tháng 5/2017, TTC Sugar đã đạt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh  với nhiều điểm đáng khích lệ dưới góc độ khả năng sinh lợi cũng như an toàn tài chính: Tính đến 31/12/2017, giá trị tổng tài sản là 17.853 tỷ, lợi nhuận trước thuế là 327 tỷ. TTC -Sugar cũng đưa ra mục tiêu tới 2020: Chiếm 50% thị phần cả nước, tăng trưởng 100% so với 2017/28, sản xuất 1.118 ngàn tấn đường và bình quân lượng tiêu thụ tăng trưởng 37%/ năm.

Chủ tịch TTC Sugar ông Phạm Hồng Dương cho biết với TTC -Sugar hay với các doanh nghiệp ngành đường nói chung, cho dù có xu hướng bảo hộ, cho dù ATIGA có dỡ bỏ hay không, thì việc tự khẳng định để đoán trước mọi "xóc nảy" của thị trường nói chung, là điều cần thiết mà các DN luôn phải tính đến, bởi kinh doanh luôn tồn tại khó khăn chính là cơ hội.

Ông Dương lấy ví dụ về sự "tài trợ" giá đường của Thái Lan để cạnh tranh, nếu đặt trong một thị trường Asean 600 triệu dân, thì xu hướng "bảo hộ" đó sẽ bị pha loãng và giảm hiệu lực. "Đường Việt Nam có thể vượt lên, khi một mặt chúng ta vừa cạnh tranh, mặt khác vừa sẵn sàng mọi điều kiện từ vùng trồng, công nghệ, sản phẩm giá trị và giảm chi phí, giá thành".

Lê Mỹ